Mỗi cuốn sách là một cuộc đời, mà cuộc đời nào cũng là một hành trình dài nhiều xót đắng. Nhân vật tìm đến nhà văn như tìm một sự sẻ chia. Và ngòi bút của nhà văn cũng chạm vào những ngõ ngách thẳm sâu trong tâm hồn mỗi nhân vật, để viết nên những câu chuyện như cổ tích giữa đời thường.
Suốt 1 năm qua, những người thực hiện tủ sách Chuyện đời tôi (dự án của Nhà Xuất bản Công an Nhân dân) đã lặng lẽ tìm đến nhiều cảnh đời, lắng nghe và trải giùm họ những tâm sự qua trang viết. Cứ thế, hơn 30 cuộc đời chịu nhiều đau khổ, bất hạnh đã được kể, đã được chia sẻ với mọi người.
Những khát vọng sống
Độc giả đến nay hẳn vẫn còn nhớ đến câu chuyện về cô gái chạy thận Nguyễn Hồng Công với Khát vọng sống để yêu. Đây là một tác phẩm nằm trong tủ sách Chuyện đời tôi nhận được nhiều phản hồi nhất của độc giả khi phát hành. Và nhân vật của cuốn sách Nguyễn Hồng Công một lần nữa được nhắc đến trong bộ phim tài liệu Mẹ, con đã về của đạo diễn Phan Huyền Thư. Tất cả những điều đó đã khiến cho cô gái chạy thận tìm thấy niềm hạnh phúc và ý nghĩa nụ cười lạc quan trong cuộc sống của mình.
Cũng mắc phải căn bệnh quái ác như Nguyễn Hồng Công, nhân vật Nguyễn Ngọc Sơn (Phú Thọ) trong tự truyện Xin đừng khóc nữa mẹ ơi! đã để lại cảm giác ngậm ngùi cho người đọc. Mặc cho sự trêu đùa của số phận, Sơn vẫn cố gắng chịu đựng những cơn đau để lấy được hai tấm bằng đại học và trở thành đảng viên – ước vọng đời mình. Dù cuộc sống đang tính từng ngày, nhưng Sơn đã vẫn gắng hết sức cho khát vọng sống và cống hiến mãnh liệt của mình. Hay như cô giáo Lê Minh Nguyệt gửi lại đời ước mơ tha thiết được đứng trên bục giảng, khi biết mình bị ung thư máu…
Trong số hơn 30 nhân vật, chỉ có 4 nhân vật đứng tên trên tác phẩm, còn lại là các nhà văn cho “mượn bút” để viết theo lời kể của nhân vật. Đọc các quyển sách Một thời và mãi mãi, Quà tặng mai sau, Chuyện đời tôi, Vẫn tin ở ngày mai…, người đọc không khỏi chạnh lòng trước những số phận éo le, chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh trong cuộc sống. Mới đây nhất là câu chuyện Quận chúa biệt động – viết về cuộc đời dữ dội của bà Đặng Hoàng Ánh.
Nhà văn Đặng Vương Hưng – người đứng ra tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm chính của tủ sách Chuyện đời tôi – chia sẻ: “Mỗi gia đình đều có một kho chuyện buồn vui. Có những người đã phải chịu mất mát nhiều trong chiến tranh, muốn nhìn lại khoảng đời của mình. Nhưng cũng có khi là những người còn rất trẻ, những số phận chịu nhiều oan ức, bất hạnh trong cuộc sống. Đó là những người bình thường nhưng số phận của họ lại quá nhiều nước mắt”.
“Tự truyện bình dân” nhiều ý nghĩa
Có những câu chuyện cảm động đằng sau quyển sách vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí của nhân vật. Những bức thư động viên, những phản hồi từ phía người đọc và sự quan tâm của xã hội chính là niềm hạnh phúc lớn lao đối với những cuộc đời đã chịu quá nhiều bất hạnh, mất mát. Hạnh phúc của nhân vật cũng chính là hạnh phúc của những người thực hiện tủ sách. Chính vì thế mà không quản đường xa, những người thực hiện dự án vẫn lên đường tìm đến với các nhân vật của mình. Ngoài Đặng Vương Hưng, cùng góp tay thực hiện tủ sách là những cây bút trẻ (đã và đang là sinh viên của trường Viết văn Nguyễn Du-Hà Nội): Nguyễn Lê Đoàn, Anh Thế, Nhật Hà…
Vẫn còn rất nhiều cuộc đời khác chưa được thành trang viết. Có nhiều người ở cả hai miền đất nước đã gửi thư đến tủ sách Chuyện đời tôi, gửi gắm ước vọng được kể chuyện đời mình. Nhà văn Đặng Vương Hưng nói: “Với nhiều người, những trang sách ấy là sự đúc kết của cả cuộc đời họ, là tài sản tinh thần vô giá của cả gia đình họ”. Cũng chính vì trân trọng những cuộc đời thăng trầm mà những người thực hiện tủ sách đã đi, đã tìm và đã đến được với những người-bình-thường-nhưng mang nét đẹp lặng thầm đi giữa cuộc đời.
Nhà văn Đặng Vương Hưng gọi tủ sách Chuyện đời tôi là “Tự truyện bình dân”. Vì ai cũng có thể kể lại, viết lại chuyện đời mình. Lời kể của những người chưa bao giờ chạm ngõ văn chương đôi khi còn vấp váp, rụt rè. Nhưng khi quay ngược về ký ức thì những nỗi niềm u uất riêng mang của họ cũng chảy tràn theo cảm xúc. Và nhà văn – người viết chuyện sẽ hòa cảm xúc đó vào từng trang chữ.
Soi rọi vào đời mỗi người đọc
Điều quan trọng là những người thực hiện tủ sách này muốn những cuộc đời bất hạnh, nhiều thăng trầm đi qua thời gian bỗng trở thành những hình ảnh đẹp của ý chí, của nghị lực, niềm tin, sự cố gắng và phấn đấu không ngừng nghỉ. Người đọc có thể khóc với cảm xúc xót đắng của nhân vật trước những nghiệt ngã của cuộc sống. Nhưng nước mắt cũng có thể rơi trên nụ cười trước những bước đi mạnh mẽ của những người luôn đủ bản lĩnh để vượt qua số phận. Những câu chuyện đẫm nước mắt sẽ giúp người đọc ghi nhớ mãi trong ký ức mình về ý nghĩa của những cuộc hành trình. Dù những bão dông trong cuộc đời có làm ta chới với, thì vẫn phải luôn đứng vững và phải tin rằng dưới chân mình bao giờ cũng có một lối đi. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, dù trong hoàn cảnh bất hạnh nào thì cũng cần phải sống hết mình.
|
Tiểu Quyên
(Nguồn: Báo Người Lao Động?)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn