Giới thiệu sách Xách Ba Lô Lên Và Đi – Tập 2: Đừng Chết Ở Châu Phi!
“Em là cô gái dũng cảm nhất mà anh từng gặp. Đi đến bất cứ nơi nào em muốn, nhưng hãy nhớ rằng, hành trình thực sự không phải là về những nơi em đến, mà là về những con người em gặp.” (- lời chúc của một người bạn quốc tế trên chặng hành trình là bài học mà Huyền không bao giờ quên)
“Tiếp tục cuộc hành trình vòng quanh thế giới, ở tập 2 “Xách ba lô lên và đi”, Huyền Chip dấn thân đến châu Phi xa xôi. Cô bạn 23 tuổi trải vượt qua con đường nguy hiểm nhất châu Phi, những làng mạc nghèo đói, những thành phố đổ nát, cướp biển, khủng bố và chiến tranh. Qua cách kể háo hức và đầy say mê của Huyền Chip, châu Phi hiện vừa đẹp đẽ lại vừa khắc nghiệt, vừa yên bình lại ẩn chứa những nguy hiểm bất ngờ.
Với cuốn sách này, Huyền Chip không ngừng thổi đam mê và ước mơ khám phá thế giới cho nhiều bạn trẻ. Câu chuyện của cô là nguồn cảm hứng cho những ai luôn khao khát muốn được cảm nhận thế giới bằng chính đôi mắt của mình.”
Lời tác giả:
“Châu Phi với tôi là một châu lục của những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: cô đơn đến cùng cực, thể chất suy sụp, bị đói, bị bỏ rơi, ám ảnh với căn bệnh thế kỷ. Chưa bao giờ tôi thấy đơn độc như khi bị sáu thanh niên cầm dao dí vào cổ cướp mà xung quanh mọi người chỉ giương mắt nhìn. Chưa bao giờ tôi thấy tức giận như khi những hủ tục trọng nam khinh nữ vẫn đầy rẫy khắp nơi, quan niệm cho rằng người nước ngoài nào cũng là túi tiền di động luôn thường trực trong suy nghĩ của họ. Cũng chưa bao giờ tôi thấy muốn đấm vào mặt ai nhiều như khi người ta cứ khăng khăng bảo tôi là người Trung Quốc, khi đám đàn ông hỏi tôi giá bao nhiêu để cưới tôi làm vợ. Nhưng cũng chưa bao giờ trái tim tôi rung động mạnh như khi những anh chàng mặc áo rách nửa lưng rón rén xin được chạm vào tóc tôi vì lần đầu tiên được thấy tóc dài; những cô bé không nói được tiếng Anh, ú ớ chỉ vào đôi dép rách tôi đang đi, không ngần ngại ngồi bệt xuống đất giúp tôi khâu lại; những người dân làng gầy gò, ăn chẳng đủ no nhưng khi thấy tôi đói phải ăn lạc sống đã hốt hoảng chạy về nhà tìm xem có gì ăn được để mang hết ra cho tôi.”
Trên bàn biên tập:
I HAVE A DREAM…
Ai sinh ra cũng mang trong mình một mơ ước. Những mơ ước thời thơ ấu vẫn cứ tồn tại mãi qua nhiều năm tháng cuộc đời. Và cho đến khi về với cát bụi, có nhiều ước mơ vẫn còn đó như sự vương vấn mà chúng ta để lại với cuộc sống này – một cuộc sống vốn dĩ rất tươi đẹp.
Khi bắt đầu đọc bản thảo tập hai của Xách ba lô lên và đi, tôi nhớ đến một câu nói của Martin Luther King: I have a dream… Những chặng đường mà Huyền Chip đã đi qua giống như hành trình đi đến với chính cốt lõi bản thân mình. Chip đi để đến gần hơn với sức chịu đựng của mình, đến gần hơn với những điều mình mong mỏi khám phá. Đôi khi tôi cảm tưởng như bạn đang hành xác để nhận thấy những điều mình có thật sự quý giá. Như một cuộc hành hương về thánh địa, cuối cùng bạn luôn đến đích. Và tôi đã say mê, đã miệt mài đọc để đồng hành cùng bạn.
Tôi tưởng như chính mình dấn thân vào con đường nguy hiểm nhất châu Phi, đứng trước đồng cỏ với từng bầy hổ báo, hươu nai đang lao vào cuộc đấu tranh sinh tồn. Những làng mạc nghèo đói, những thành phố đổ nát, cướp biển, khủng bố, chiến tranh dường như chưa bao giờ khỏa lấp được hình ảnh một châu Phi xinh đẹp và hình ảnh Chip lẫn vào trong đó, luôn ấn tượng hơn bao giờ hết. Lúc đó tôi đã có suy nghĩ rằng tại sao tôi không thử đi một lần để ngắm nhìn thế giới. Như một đứa trẻ học vần, lần đầu tiên tôi thấy mình muốn làm theo một ai đó và một việc người khác đã làm khiến tôi thấy thú vị đến nỗi cũng muốn làm theo.
Chip tự nhận mình không phải là nhà văn và không bao giờ muốn dùng những từ đao to búa lớn. Bạn đơn giản chỉ là đang ghi lại những gì trên những con đường bạn đã đi qua. Nhưng chính lối nghĩ mộc mạc ấy đã khiến văn phong của Huyền Chip cuốn hút một cách đặc biệt. Những đoạn đối thoại ngây ngô với người bản xứ, những tình huống dở khóc dở cười, hiểm nguy trước mặt mà cứ như một trò game dã chiến. Tất cả những điều đó khiến Xách ba lô lên và đi 2 có một sức hấp dẫn khó cưỡng lại được.
Tôi nghĩ rằng, độc giả sẽ tìm thấy niềm say mê rất lớn ở cuốn sách này. Và, nó cũng sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác thực hiện những điều mà mình chưa dám làm vì còn e ngại. Đối với riêng tôi, biên tập cuốn sách này là một hành trình nho nhỏ qua từng câu chữ để đem đến cho bạn đọc một châu Phi thú vị, một Huyền Chip chưa bao giờ hết thú vị. Cuốn sách sẽ nằm trong tay bạn, đó là niềm hạnh phúc rất lớn của tôi và những người đã góp phần hoàn thành cuốn sách này.
Mời bạn đón đọc.
(TNO) Huyền Chip, cô gái vòng quanh thế giới với 700 USD, vừa trở về Việt Nam sau chuyến đi Nam Mỹ, chuẩn bị ra mắt tập 2 Xách ba lô lên và đi với tựa đề Đừng chết ở châu Phi.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Vừa trở về Việt Nam sau chuyến đi đến Nam Mỹ, Huyền Chip đã có buổi giao lưu cùng bạn đọc TP.HCM để chuẩn bị ra cuốn sách mới: "Đừng chết ở châu Phi".
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
'Châu Phi là châu lục của cảm xúc, những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: Cô đơn về tinh thần, suy sụp về thể chất', nữ tác giả tâm sự.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
PNO – Xách ba lô lên và đi là tập bút ký du lịch của tác giả trẻ Huyền Chip. Tập 1: Châu Á là nhà. Đừng khóc! Nay cô vừa ra mắt tập 2: Đừng chết ở châu Phi (NXB Văn Học).
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn