Giới thiệu sách Vượt Côn Đảo (Tái Bản 2016)
Côn Đảo từ lâu đã là một “địa ngục trần gian”. Không ai dám nói ngược lại, báng bổ vong linh những người đã đổ máu ở đảo này mà phải tội! Ta kính cẩn tin vào chuyện đó, không cần lý lẽ nhiều lời, và sau này lại còn có cả những tư liệu thực chứng cho thấy niềm tin của ta không sai. Đến những năm 1950, cuộc sống ở hòn đảo đó càng khủng khiếp. Hơn hai trăm tù binh bị giặc bắt từ khắp các chiến trường đã bị đưa về giam trên hòn đảo “địa ngục trần gian” này. Cái gì đã đoàn kết họ lại, cái gì đã phả sức chiến đấu vào những bắp thịt bị hành hạ đến héo mòn, cái gì khiến họ yêu thương nhau hơn cả anh em ruột thịt? Những chuyện kể của những người sống sót khỏi chốn địa ngục đó mà Phùng Quán gặp và ghi được tại nơi trao đổi tù binh sau Hiệp nghị Geneva 1954, toàn bộ cái mãnh liệt tinh thần của họ và ngay cả toàn bộ cái mong manh thân xác họ mang được từ địa ngục trở về đã làm nên một Phùng Quán của Côn Đảo, đã nhào nặn một Phùng Quán nữa cho Côn Đảo, và sự cộng hưởng tài tình và ân tình nơi Phùng Quán đã tổ chức lại được một cuộc vượt Côn Đảo khác, có thể ít thật hơn hoặc còn rất xa mới gần được sự thật, nhưng lại thiêng liêng vô cùng và được lưu giữ đến mãi mãi, một chuyến vượt ngục bất thành nhưng là cả một hình hài nằm trong cuốn sách mỏng chưa đến 200 trang!
Vượt Côn Đảo cần được nhìn nhận như đó chính là con người Phùng Quán; chính là Phùng Quán đã tham gia cuộc “Vượt Côn Đảo”, cũng như Người người lớp lớp cần phải được nhìn nhận như đó chính là con người Trần Dần. Hai nhà thơ, hai cõi lòng chân thành, hai con người thật sự trong trắng, hai miếng đất màu để tự họ biến thành hai tác giả tạo ra hai tác phẩm suy cho cùng thì không “hiện thực” lắm, hoặc không hiện thực một cách nghiêm nhặt, nhưng là hai tác phẩm có đủ khuyết tật của mọi tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Mời bạn đón đọc.