Những văn bản chồng lấp lên nhau trong một cuộc phân thân đầy thống khoái, trào lộng nhưng ngất ngây đau đớn nói về hai kẻ chống lại sự mê lú đời sống bằng cách… mở lối vào nhà thương điên và viết văn!
Đó là hai kẻ day dứt về sự lai chủng trong ngôn ngữ của mình. Một gã Chệt Khùng da vàng và một con bé kêu gã bằng cậu. Cả hai đều có ý định viết văn bằng tiếng Pháp. Tiếng Pháp như tham vọng, công cụ để cắt đứt với quá khứ đối với gã Chệt Khùng. Tiếng Pháp lại là vũ khí chống lại một Đất Nước, một gia đình trước những biến cố không muốn nhớ nhưng lại cần phục hiện và được trả lời đối với cô bé.
Chệt Khùng, trốn chạy mặc cảm loạn luân tìm đến sách để giả chết, để an thần, để chấp nhận 15 năm một kiếp sống thừa trong nhà thương điên Corrèze không một mối giao cảm nào với đời sống ngoài những đống sách bủa vây. Người bạn đáng kể nhất của hắn là gã Thầy Tu – kẻ cũng trốn chạy bóng ma của chính mình, coi như đời mình không còn nữa.
Cô bé, kẻ đào tẩu cùng với mẹ để thoát khỏi trải nghiệm kinh hãi ở một Đất Nước gắn với các cuộc săn đuổi vô hình và rồi phải đối diện với nỗi ám ảnh bị bứng khỏi cội nguồn để tiếp nhận một nguy cơ lai chủng hoá (thông qua nỗi day dứt, câu hỏi bí ẩn về “người cha thực” như thây ma đã bị mẹ nó bỏ rơi, giã nát nơi Đất Nước để đón nhận một “người cha thức thời” trên Đất Mới sẵn sàng cho nó một cái tên mới, một tư cách, căn cước tồn tại mới). Nó điên trong cuộc hành trình vượt thoát khỏi thế giới gia đình, tình đồng hương, chạy thoát ngôn ngữ mẹ đẻ một cách quyết liệt để tìm ý nghĩa, giá trị tồn tại của riêng mình, tìm cách diễn giải quá khứ theo cách của chính mình.
Ở đây, cái điên của hai kẻ “lội ngược dòng” này không đơn thuần là sự lựa chọn thuần tuý thuộc về lối sống, một giải pháp tránh xa sự phù phiếm đám đông (phải kiếm ra tiền, phụng sự vật chất) mà còn là một cách đoạn tuyệt, ly khai với truyền thống hằn sâu, luôn rắp tâm xoá diện mạo những cá nhân khác biệt.
Thật đau đớn thay cho những kẻ đi lối hẹp (nói theo ngôn từ Kinh Thánh), những kẻ chống lại lề thói rởm đời phù phiếm (theo ngôn ngữ cuốn tiểu thuyết này) vì chính những kẻ ấy lại tiếp tục dấn sâu vào một cơn khủng hoảng khác. Khi nhận thức được cuộc sống, mọi tương quan thực chất được dệt nên bằng ngôn ngữ, diễn ngôn trên những văn bản rời rạc, thì những kẻ mạo hiểm kia làm sao để thoát khỏi cái viễn cảnh vực thẳm hư vô đang chờ chực phía trước?
Nhiều cách sống và chọn lựa được đưa ra từ việc phá bỏ ranh giới hư cấu/ hư cấu của hư cấu. “Chúng tôi quay lưng lại thế giới, chúng tôi cùng đi về một hướng, chúng tôi đi chinh phục Cõi Không Nơi Nào”. Ở đó, hai kẻ da vàng viết văn không bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình tìm cách bước qua những thành kiến con lai, con hoang hay mặc cảm dị chủng để tìm đến một sự đồng nhất, một khát vọng bình đẳng trong thế giới diễn ngôn: “Nó đã tự vệ trước nguy cơ điên bằng cách phân thân. Nó đã muốn thành xa lạ với gia đình, rồi với đất nước, với tiếng mẹ đẻ, sau cùng với chính mình”.
Gã Chệt Khùng tìm thấy ánh sáng của lá thư của cô bé trong góc tối của thư viện. Lá thư “với tuồng chữ kiêu kỳ” đã chế nhạo tham vọng làm một người bình thản nơi gã. Lá thư đánh thức sự kiêu hãnh được làm một người điên trong thế giới đang rỗng hoá. Lá thư rao giảng “niềm kiêu hãnh của sự khác biệt”, đánh thức một tinh thần “Điên Vô Tổ Quốc” – giả điên để khỏi hoá điên trong những ranh giới mình tự tạo dựng. Một sự tháo cũi sổ lồng cho nỗi trầm uất và bế tắc!
Những trang cuối cuốn tiểu thuyết cồn lên nguồn cảm hứng thúc giục róng riết về yêu cầu phản tỉnh giữa cái “thế giới văn bản” đang cuộn xoáy, hỗn loạn. Gã Chệt Khùng dùng sách để xây cho mình một thành quách để tiến hành “nghi thức giải hoặc” triệt để: “Tôi sẽ đốt một điếu thuốc và tôi sẽ ngủ quên không dập tắt điếu thuốc. Sẽ không còn ai đến đòi nợ nắm tro tàn của tôi. Sẽ không còn ai đòi mớ xương cháy đen của tôi nói lên sự thực. Tôi với đống sách sẽ là một”.
Hắn, có thể là một thứ văn bản như bao văn bản đồng hiện khác trong tâm thức, thế giới sáng tạo của cô bé.
Vu khống được viết bằng tiếng Pháp của một nhà văn nữ gốc Việt còn là những trải nghiệm về “ngôn ngữ lai chủng”, một ý hướng về văn chương không biên giới mà chính tác giả của nó là hiện thân đang theo đuổi.
Đây là cuốn tiểu thuyết khước từ tính đại tự sự. Không dễ đọc, vì ngôn ngữ luôn sẵn sàng đạp đổ lối luận đề truyền thống và luôn thách thức khả năng tư biện nơi người đọc. Nhưng không lý gì chúng ta bỏ qua một dịp được cự tuyệt với sự dễ dãi lười biếng trong tiếp nhận văn chương. Nếu viết là sự tự lưu đày bản thân của tác giả thì lẽ nào việc đọc không phải là sự hỏi đòi khó nhọc để khám phá những nấc thang sâu kín nhất của nội tâm nơi độc giả?
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Nguồn: Báo SGTT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn