– Thưa nhà văn, chục năm trở về đây, sau mỗi lần ra mắt tác phẩm mới, ông lại khẳng định đó là tác phẩm cuối cùng, nhưng sự thực không phải vậy. Gần đây, ông lại cho ra mắt tiểu thuyết "Võ sĩ lên đài". Ông có thể chia sẻ về sự ra đời của tác phẩm này?
– Đó là câu chuyện liên quan đến một người bạn thân thiết của tôi. Năm 1976, tôi từ một tỉnh miền núi trở về Hà Nội. Cuộc sống đô thị trở thành đối tượng miêu tả mới. Tôi quen biết và thân thiết với bác sĩ, võ sĩ Phạm Xuân Nhàn, người sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao. Thân sinh của Nhàn là một trong những võ sĩ quyền Anh nghiệp dư đầu tiên ở nước ta. Còn Nhàn thì đã là võ sĩ vô địch Bắc kỳ, từng dự Á vận hội ở Philippines năm 1951. Tiểu sử Phạm Xuân Nhàn là một câu chuyện dài về các cuộc đấu trên võ đài trong nước và nước ngoài, về quyết tâm khôi phục môn thể thao thượng võ này. Nhàn hấp dẫn tôi bằng cuộc đời sôi nổi của anh.
– Và đây là hình tượng nguyên mẫu cho tác phẩm "Võ sĩ lên đài" của ông?
– Đúng vậy. Anh đưa tôi đến các dạ hội quyền Anh, hướng dẫn và giảng giải cho tôi biết cách thức thi đấu từ cách buộc găng đến các miếng đánh tủ của võ sĩ nhà nghề… Trong đó, đáng chú ý với người viết văn là tâm trạng của đấu thủ trong các tình huống diễn ra trên võ đài. Chẳng hạn, tôi hỏi: "Mỗi hiệp sao chỉ có 3 phút?". Anh bảo "3 phút dài bằng cả một thế kỷ đấy!". Tôi bị cuốn vào một trường thẩm mỹ mới và nhận ra đây là một đối tượng của những cuốn sách văn học rất đáng viết và rất cần đọc, nhất là đối với thanh, thiếu niên Việt Nam.
– Ông từng chia sẻ "Chỉ viết được những gì mình đã trải nghiệm" và "mỗi cuốn văn xuôi tự sự dài, đều có một phần đời của tôi"?
– Không trải qua thì không viết được, kể cả ở cuốn sách có cái đề tài thoạt đầu còn rất xa lạ với tôi. Nhân vật của cuốn sách là võ sĩ Nhân (hóa thân của Phạm Xuân Nhàn) và Tùng (hóa thân của nhà giáo Vũ Văn Tụng – một người bạn thân của tôi). Cái xóm lao động với vợ chồng ông xích lô, cô bé Nguyệt là người trong cái ngõ 221 ở phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến) hàng xóm của gia đình tôi… Cũng phải kể đến những tháng ngày dài trong "mùa đấm" – danh từ nhà nghề Nhàn hay dùng để chỉ các dạ hội quyền Anh tổ chức vào mùa lạnh. Rồi đọc cả một đống sách vở, tài liệu có liên quan, thú vị nhất là các tiểu sử võ sĩ. Ngoài ra, dấu ấn riêng của cuộc đời tôi trong cuốn sách này còn là đặc điểm thẩm mỹ đã trở thành thuộc tính trong văn chương của tôi. Tôi yêu cái đẹp hiện ra trong vẻ bi tráng của nó…
– Ngoài những điều kể trên, ông có lấy cảm hứng từ cuộc đời, hoặc tác phẩm nước ngoài yêu thích nào không?
– Tôi viết tiểu thuyết này trong cảm hứng bay bổng, lãng mạn sau khi đọc truyện ngắn "Miếng bít tết" của Jack London, xem phim "Người Mễ Tây Cơ" của Liên Xô hồi đó đang công chiếu ở các rạp chiếu bóng Thủ đô. Hai trăm trang sách, nhưng là kết tinh của bao say sưa, mê mải không thể tính đếm được.
– Liệu sau "Võ sĩ lên đài", ông sẽ lại có cuốn tiểu thuyết mới?
– Có lẽ tôi chỉ còn có thể viết được đôi ba cái truyện ngắn và bút ký nho nhỏ nữa thôi!
– Xin chân thành cảm ơn ông! Chúc ông nhiều sức khỏe!
Trần Hoài Nguyên thực hiện.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn