Gặp lại Nhật Chiêu, người đọc có nhiều ngạc nhiên sau 2 tập truyện đầu của tác giả này (Người ăn gió, Mưa mặt nạ), đến tập thứ 3 này, ngay từ tiêu đề đã gây tò mò. Viết tên trên nước, người ta có thể viết tên trên nhiều thứ nhưng trên nước thì khó đấy.
Mở tập sách ra, ta chiêm ngắm từng trang truyện đẹp như mơ và chạm vào những tiêu đề rất lạ như Người không chiêm bao, Rừng sim rực sáng, Tia sáng màu tím cho mắt ai, Linh tượng, Món quà của gió… Chỉ 12 truyện như 12 tháng trong năm, như 12 con giáp, thập nhị nhân duyên… đủ làm nên một thế giới kỳ ảo.
Chẳng những thế, có thể nói mỗi truyện lại là một thế giới riêng như Mê cung gợi nhớ thần thoại Hy Lạp, Người không chiêm bao biểu hiện thế giới huyền bí của loài chim di thê, như Thang máy diễn tả một thế giới di chuyển theo chiều thẳng đứng, cứ thế mà vượt qua thời gian…
Ba truyện cuối tập (Linh tượng, Món quà của gió, Biển hát) xoay quanh nhân vật lão B có thể được xem là ba phần của một câu chuyện. Trong đó lão B được khắc họa như một nhà thơ có khả năng nhìn thấy những điều kỳ diệu, phi thường mà người chung quanh không thể dò theo. Qua thế giới đó ta bắt gặp một bầu vú xinh đẹp được nhặt lên từ sóng biển, một thanh niên hóa thành chiếc mũ dạ hoặc một nàng tiên cá chơi đùa với biển và với cả kẻ thù ghét nàng là bầy chim nhạn…
Thế giới của Nhật Chiêu luôn luôn tạo nên bằng những yếu tố huyền ảo, hư hư thực thực, như thể đó là những cánh cửa kỳ lạ dẫn ta đi vào chiêm nghiệm cái bí ẩn của đời sống, của tình yêu và cái chết.
Ngân Hoa (Báo Sài Gòn giải phóng)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn