Giới thiệu sách Việt Sử Yếu – Tái bản 09/07/2007
Việt Sử Yếu:
Đây là một cuốn lịch sử Việt Nam cho đến nay chưa được nhiều người biết đến. Không rõ sau khi viết xong (năm 1914), tác giả đã cho nó được lưu hành như thế nào, nhưng đến năm 1914, Dương Quảng Hàm viết cuốn “Việt Nam văn học sử yếu”, ở chương thứ 20 có nhắc đến Hoàng Cao Khải cùng với các ông Lý Văn Phức, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa…, đã nói về các tác phẩm của họ Hoàng mà vẫn không thấy kể đến cuốn Việt Sử Yếu. Mãi cho đến năm 1970, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá của chính quyền Việt Nam Cộng hoà ở Sài Gòn mới giao thông cho ông Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch ra quốc ngữ cuốn sách này. Ông Lê Xuân Giáo nhận định rằng: “Sách này phân đoạn rõ ràng và bố cục hệ thống hoá rành mạch, kèm theo những ý kiến phê bình, nhận xét về mọi sự kiện lịch sử, đáng được gọi là tinh vi sắc bén”.
Có thể nói thêm rằng, cuốn sách đã bổ sung cho kho tàng sử sách Việt Nam một tài liệu mới, cũng là hiếm có trong giai đoạn lúc bấy giờ. Dưới triều nhà Nguyễn đã có các bộ sử do triều đình chỉ đạo cho các sử thần biên soạn, còn sách cá nhân hình như không có bao nhiêu, tuy cũng có một số người soạn các chuyên đề, đi vào nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim mãi đến năm 1925 mới ra đời. Cuốn Việt Sử Yếu này của Hoàng Cao Khải tuy viết bằng chữ Hán, nhưng cũng đáng coi là một đóng góp đáng quý. Tác giả cũng tự cho là mình “có thiên chức thiêng liêng để lược thuật lịch sử nước nhà”. Ông còn dám đường hoàng tuyên bố là xin “phóng một tia sáng gọi là đi trước xã hội”. Ta thử xem lời nói của ông có đi đôi với việc làm hay không?
Lê Xuân Giáo đã ca ngợi cấu trúc của cuốn sử này là rành mạch, có lẽ ông muốn đối chiếu với những cuốn sử chữa Hán khác, chứ thực ra, ngày nay người đọc không quen với cách nghiên cứu xưa thì vẫn là dễ gặp lúng túng. Tác giả chia bộ sách của mình thành ba quyển, mỗi quyển gồm một số chi tiết, rồi mỗi tiết lại gồm một số chương, trong đó bố cục dài ngắn không đều. Cụ thể ta có thể xếp lại trật tự như sau:
Quyển thứ nhất (không đặt tên) gồm có:
Tiết 1: Mở đầu với các phần địa thế, nhân chủng
Tiết 2: Nói về nước ta nội thuộc Trung Quốc, gồm 8 chương
Tiết 3: Nói về thời đại Tự chủ.
Quyển thứ hai: quyển này chỉ có một tiết, gồm 25 chương
Tiết 4: Nói về thời đại văn minh tiến bộ của nước ta
Từ chướng 1 đến chương 24 ghi chép thời kỳ từ Lý Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, có phụ thêm nhà Mạc. Riêng chương 25 bàn về chính trị nhà Lê.
Quyển thứ ba: quyển này cũng chỉ có một tiết là:
Tiết 5: Đặt tên là Nam Bắc phân tranh, gồm có 11 chương. Các chương trong tiết này nói về Trịnh Nguyễn ở phía Bắc, phía Nam kinh dinh và xung đột.
Như vậy là sách Việt sử yếu này gồm có 3 quyển, 5 tiết là 50 chương, chia ra:
Quyển 1: Có 3 tiết 14 chương
Quyển 2: Có 1 tiết 25 chương
Quyển 3: Có 1 tiết 11 chương.
Ở phần phát đoan, tác giả không cho ta biết vì sao ông lại có cách chia như vậy. Nhưng nhìn chung qua các chương, các tiết thì thấy rõ, ông đã có cách sắp xếp riêng, một phần vẫn đi theo cách chia các vương triều của các thời đại, một phần ông vẫn còn nhận định khác với những nhà sử học trước mình. Thí dụ ở quyển ba, ông chỉ để có một tiết, chủ yếu là vẫn nói về nhà Lê trung hưng, nhưng cho rằng đây là cả một thời kỳ Nam Bắc chia đôi, có phần riêng biệt. Nhà Tây Sơn được nhắc tới với chiến công rực rỡ của Quang Trung, nhưng không được đặt thành một triều đại riêng như nhà Lý, nhà Trần, cũng không được tôn vinh như cách nhìn nhận của Trần Trọng Kim sau này. Bộ sử ba quyển này chỉ nói đến nhà Lê là hết, có phấn không đúng với ý ông đã nêu trong bài Tựa là lược thuật sử ký nước nhà từ đới Hồng Bàng đến năm Duy Tân thứ 14. Phần triều Nguyễn và phần Pháp xâm lược, đặt chế độ thực dân cai trị nước ta không được nói đến, chắc cũng do một sự dè dặt nào. Không rõ sau Quyển Ba của Việt Sử Yếu còn có tập tiếp theo nào chưa được công bố nữa không?
Mời bạn đón đọc.