Sáng nay (21.7), bản tiếng Anh của tập Harry Potter and Deadly Hallows sẽ được FAHASA phát hành trên toàn Việt Nam. Cuộc trò chuyện sau đây với nhà văn – dịch giả Lý Lan được thực hiện qua khoảng cách nửa vòng trái đất (chị đang sinh sống tại Mỹ).
* Là người dịch Harry Potter từ tập đầu tiên, chị đã gắn bó với nhân vật này thế nào? Cái gì đã làm nên duyên nợ này vậy?
– Có lẽ sâu nặng hơn độc giả một chút. Tôi đã dành 9 tháng dịch liền tù tì 4 tập đầu để độc giả có sách đọc mỗi tuần trong cùng thời gian đó. Chỉ khác là tôi dịch cả tuần, còn độc giả đọc một cái vèo nửa buổi là xong. Rồi cũng như độc giả, tôi chờ đợi từng tập sau, để lại cắm đầu dịch trong hai ba tháng và độc giả lại chỉ đọc trong hai ba buổi. Có lẽ sự trông ngóng của độc giả đã khiến cho cái duyên nợ này kéo co được 7 năm trời rồi!
* Người ta đang lấy chữ ký độc giả, để kiến nghị tác giả J.K.Rowling viết tiếp về Harry Potter. Chị nghĩ gì về cách làm này?
– Làm như vậy có thể khiến nhà văn cảm động và nhà xuất bản ước lượng được tiềm năng thị trường cũng như hiệu quả quảng cáo tốt hơn. Vì cái trò lấy chữ ký hiện nay đã quá phổ biến, từ lấy chữ ký đòi Tổng thống Bush chấm dứt chiến tranh ở Iraq đến lấy chữ ký ủng hộ xây sân vận động cho chó (vì chó ở các thành phố lớn luôn phải ở trong nhà suốt ngày khiến chúng phát bệnh béo phì, cần có nơi để tập thể dục) nên nếu có thêm một kiến nghị yêu cầu nhà văn viết tiếp một câu chuyện đã kết thúc thì cũng chẳng sao. Bà Rowling đã nói là bà sẽ viết một cuốn nữa về Harry Potter, nhưng bây giờ hãy để cho bà xả hơi cái đã!
* Với tư cách một độc giả, chị cho rằng bộ truyện Harry Potter đã làm được điều gì cho đời sống văn học?
– Người ta hay nói là Harry Potter đã khiến trẻ em chịu đọc sách, mặc dù nghiên cứu gần đây cho thấy việc này thực ra hiệu quả không lớn như người ta tưởng. Harry Potter không thực sự tạo ra thói quen đọc sách in cho trẻ con, vì ngoài cuốn Harry Potter, những sách thiếu nhi và sách văn học khác vẫn ở trong cảnh chợ chiều. Chỉ những sách được lên phim như Chúa tể những chiếc nhẫn chẳng hạn, mới tăng được lượng độc giả. Và thực ra, người coi phim Harry Potter nhiều hơn người đọc sách Harry Potter.
– Nhưng kỹ nghệ Harry Potter – sách, phim, game, đồ chơi, bánh kẹo, ca nhạc, dụng cụ học sinh, áo quần…, sắp tới là khu giải trí pháp thuật – chắc chắn góp màu sắc chủ đạo trong nền văn hóa phổ thông đang (hoặc có lẽ đã) lan truyền khắp thế giới. Lần đầu tiên trên toàn thế giới có một thế hệ trẻ em cùng lúc đọc cùng một quyển sách, xem cùng một bộ phim, và bằng cùng một phương tiện internet có thể bàn bạc chia sẻ hứng thú và cảm nghĩ với nhau, bất kể chúng đang sống ở đâu trên trái đất này. Tôi nghĩ đây là điều đáng kể nhất.
* Còn với tư cách nhà văn, nó có gợi ý cho chị được điều gì?
– Có, nó – cả hiện tượng chứ không chỉ riêng bộ sách – khiến tôi suy nghĩ nhiều về văn hóa phổ thông, văn hóa tiêu dùng và tiến trình toàn cầu hóa đang tràn qua xứ mình.
* Lý do nào khiến chị cho ra đời cuốn Lý Lan tám Harrry Potter?
– Để có chỗ xả ra những suy nghĩ về các vấn đề vừa nêu trên. Một đặc điểm của hiện tượng Harry Potter là phê bình không còn là việc dành cho các nhà phê bình hay các giáo sư nữa, mà đại chúng đã hè nhau tham gia, do vậy tính chất phê bình cũng thay đổi. Có hàng trăm quyển sách và vô số bài phê bình Harry Potter của những giáo sư, tiến sĩ văn chương, đồng thời có hàng triệu bài phê bình của độc giả đủ mọi trình độ, từ nghiêm túc vận dụng các phương pháp và lý thuyết phê bình đến chat thoải mái. Tôi đã chọn cách tám để thể nghiệm.
* Chị có buồn không, nếu duyên nợ với Harry sẽ chấm dứt sau tập sách cuối đang phát hành?
– Không. Vì có thể duyên nợ ấy không thực sự chấm dứt: tôi đã định dịch xong thì sẽ viết một cuốn sách nhái. Nếu độc giả Việt Nam đọc thấy hứng thú thì duyên nợ sẽ còn dài.
* Câu hỏi cuối: nhà văn Lý Lan đang hoạt động văn học theo cách nào? (Chị đừng trả lời là cứ đọc blog nhé!). Trên blog của chị thấy nhà chị có rất nhiều hoa…
– Tôi còn đang loay hoay, nên trồng hoa để thấy đời còn đẹp. Trong năm bảy năm gần đây tôi đọc tùm lum thứ nên có lẽ hơi bị “tẩu hỏa nhập ma”, viết lung tung. Không biết tại sao càng lớn tuổi, càng nghĩ ngợi, văn tôi càng thiếu đứng đắn!
(Đó là câu trả lời có vẻ đùa giỡn chút xíu của nhà văn. Thực ra trong blog của Lý Lan (http://lylan.blogspot.com), người ta có thể khám phá nhiều thứ rất thú vị, kể cả những gì đang xảy ra trên đất Việt Nam).
| Các fan nhí của Harry Potter | Harry Potter 7, trước giờ G…
Scholastic – nhà xuất bản cuốn Harry Potter tập 7 ở Mỹ đang tiến hành thủ tục để kiện Công ty bán lẻ trên mạng DeepDiscount.com vì công ty này đã giao những bản sách Harry Potter tập 7 cho một số khách hàng sớm hơn ngày 21.7. (BBC) Tác giả Rowling đã phải lên trang web chính thức của bà để kêu gọi người đọc hãy “làm ngơ trước những thông tin sai lệch về nội dung tập 7 trên các trang web và trên báo chí. Tôi mong những người tự xem mình là fan của Harry Potter hãy giúp chúng tôi bảo vệ bí mật của nội dung tập 7 cho tất cả bạn đọc đang nóng lòng được đọc cuốn sách vào cùng một lúc trong ngày phát hành”. Còn nhà xuất bản Anh quốc Bloomsbury thì khẳng định: “Trong mấy tuần qua đã có rất nhiều cuốn sách Harry Potter giả được đưa lên mạng. Chúng ta chẳng có lý do gì để tin tưởng vào chúng”. (BBC) Sau khi hai tờ báo của Mỹ là The New York Times và Baltimore Sun đăng bài “điểm sách” tiết lộ một số tình tiết trong tập 7 – bao gồm cả cái chết của một số nhân vật – trước khi sách được phát hành chính thức, bà Rowling đã rất giận dữ. Bà cho rằng đây là hành động “không tôn trọng sự mong đợi của hàng triệu độc giả, đặc biệt là thiếu nhi”. The New York Times cho biết cuốn sách họ mua được từ một hiệu sách vào ngày 18.7, còn Baltimore Sun nói rằng họ có được một cuốn sách “bằng những cách hợp pháp và bình thường”. (Scotsman) Khoảng 100 fan của Harry Potter đã xếp hàng và hát hò phía ngoài nhà sách Warterstone (London) – một trong những nhà sách lớn nhất châu Âu – từ tối thứ năm (19.7) để được là những người đầu tiên xông vào nhà sách và cầm trên tay cuốn Harry Potter tập 7 khi nhà sách này tung ra bán vào sáng nay 21.7. Những fan này không chỉ là người Anh, mà có cả những người đến từ Hà Lan, Bỉ, Pháp, Mỹ. (The New York Times) L.K |
Ngô Thị Kim Cúc