Giới thiệu sách Văn mới 5 năm đầu thế kỷ – Hợp tuyển truyện ngắn của những tác giả đang được mến mộ
Đây là một tuyển tập truyện ngắn của nhiều tác giả được sáng tác trong 5 năm đầu của thế kỷ XXI này. Cùng với những giọng văn đã ổn định trên văn đàn là những tiếng nói mới lạ đi sâu vào những khía cạnh của cuộc sống muôn màu.
Trong cuốn Tuyển tập Văn mới, người đọc nhận ra một Ma Văn Kháng với Đất màu vừa quen lại vừa lạ. Đằng sau những nỗi nhớ nhung mang màu sắc nhục cảm của Dự, ta thấy ước vọng con người luôn cháy bỏng trong chị, luôn chiến thắng những toan tính, ganh gét tầm thường của cuộc sống. Tuy kết cục câu chuyện không vui như ta có dịp thấy mình đâu đó trong các nhân vật của tác giả.
Mượn một tứ “Cánh buồm nâu” của Nguyễn Bính, tác giả Nguyễn Huy Thiệp lại đưa ta vào một câu chuyện mang màu sắc huyền thoại trong “Cánh buồm nâu thủa ấy”. Câu chuyện tình của Nhi con gái ông bà Hân với Bằng được phủ lên một màn kiếm khách bởi sự xuất hiện đầy ấn tượng của ông bố chồng và sự ra đi vội vàng trong đêm của cô theo ông. Để rồi nhiều năm sau đó một thiếu phụ trở về bên ngôi mộ đôi của ông bà Hân với lời nhờ giúp một nhà thơ lãng tử đã tạo thành một huyền thoại buồn nhưng không mang màu sắc bi luỵ. Đoạn cuối tác giả mang lại cho bạn đọc đôi niềm bâng khuâng với câu kết “Mà tình yêu, bạn biết không- cái món quà tuyệt vời mà Thượng đế hào phóng ban tặng cho người đời ấy, bao giờ cũng phải trả giá bằng những giọt nước mắt nghẹn ngào, dù muốn hay không cũng vậy”.
Phan Thị Vàng Anh lại đề cập đến lối sống của thời hiện đại qua hai nhân vật Tuyền và Khang trong chuyện “Có con”. Cái nhầm tưởng về chuyện có con đã làm cho người thì lo lắng với tương lai bất định, kẻ lại lấy đó làm cớ để trốn tránh trách nhiệm. Không chỉ trích nặng lời, không đao to búa lớn nhưng cái đáng suy nghĩ là tác giả lại đặt ra câu hỏi về sự dũng cảm sống và dám chịu trách nhiệm của lớp trẻ, day dứt trong tâm hồn người đọc.
Trong “Tri âm” của Phạm Hải Anh ta lại thấy bất ngờ về lối viết đầy táo bạo của một cây bút trẻ trong một lĩnh vực khá nhạy cảm. Nàng Kiều được gặp chính tác giả đã tạo ra mình với những tình huống hiện đại và lời thoại của thế kỷ XXI. Ý nghĩa của câu chuyện còn có thể đi xa hơn nữa cùng với sự cảm nhận của từng người đọc.
Mùi hương rượu cúc dường như là có thật đâu đây khi ta đọc “Rượu cúc” của Nguyễn Thị Thu Huệ. Những chén rượu chỉ như là cái cớ để con người lại gần nhau hơn, yêu nhau hơn. Hình ảnh hai mẹ con chủ quán như là hiện thân của những cái đẹp trong sáng, mặn mà quanh ta. Đọc chuyện của chị ta cảm thấy yêu đời hơn, đáng sống hơn, trân trọng những gì nho nhỏ quanh ta để rồi chợt cảm nhận ra được nhiều điều lớn lao hơn.
Hồ Anh Thái vừa đóng vai là người tuyển chọn cho cuốn sách này nhưng anh cũng kịp mang đến cho bạn đọc “Cả một dây kéo nhau đi”. Cái bi hài về sự sống và cái chết, cùng những mánh khoé, tiểu xảo của con người bị phơi bày trần trụi duới ngòi bút sắc xảo của anh. Chuyện không dễ đọc nhưng cuốn hút người đọc kỳ lạ, các tuyến nhân vật cứ quay cuồng, cuốn quýt, đan xoáy vào nhau rồi lại bị tháo gỡ ra theo từng nhân vật. Trong khi đó Mạc Can lại đưa người đọc sang tận vùng biên giới tây nam, nơi cái hổ lốn, bi hài của cuộc mưu sinh cứ như trong một cái cối xay thịt nháo nhào qua lời kể còn nhầm lẫn l và n của anh ca sĩ “cây nhà lá vườn” trong chuyện “Hội chợ buồn thiu”.
Trong “Thương nhớ hoàng lan” của Trần thuỳ Mai hình ảnh chú tiểu đẹp trai, nhưng nặng lòng chốn cửa thiền lại vẫn đa đoan với với một người con gái tên Lan làm ta đôi chút liên tưởng đến một chuyện tình mà người Việt nam nào cũng biết. Nhưng rồi kẻ lấy chồng xa xứ, người về chốn thiền như là một cái kết tưởng như không bao giờ có tận cùng như mùi hương hoàng lan phảng phất.
41 tác giả trong tuyển tập này là 41 gương mặt đầy cá tính, đầy sắc màu và hơi thở cuộc sống . Với phong cách in đẹp, trình bày ấn tượng và 41 chữ ký do chính các tác giả trực tiếp lưu bút. Cuốn sách sẽ làm bạn đọc hài lòng khi có thể sở hữu một giá trị văn hoá như vậy và đây thực sự là một cuốn sách hay trong tủ sách nhà bạn.