Giới thiệu sách Văn Hóa Truyền Thông Trong Thời Kỳ Hội Nhập
Văn Hóa Truyền Thông Trong Thời Kỳ Hội Nhập
Báo chí với chức năng hàng đầu là thông tin mọi mặt đời sống xã hội, là lực lượng chủ lực và xung kích của truyền thông đại chúng, có mối quan hệ khăng khít, biện chứng với văn hóa. Là bộ phận của văn hóa nhưng chính báo chí cũng sáng tạo ra văn hóa, phổ biến và lưu truyền văn hóa… Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với người làm báo là phải hiểu biết phong phú về văn hóa, ứng xử có văn hóa, coi hoạt động báo chí không những là hoạt động chính trị – xã hội – nghề nghiệp, mà còn là một hoạt động mang đậm tính văn hóa. Chúng ta đã có những nhà báo được đồng nghiệp trong và ngoài nước, được công chúng đón nhận như những nhà văn hóa. Tuy vậy, trên thực tế cũng còn có những nhà báo coi nhẹ yêu cầu về văn hóa, tính văn hóa trong hoạt động báo chí.
Vì vậy, việc nâng cao tính văn hóa của đội ngũ người làm báo hiện nay là yêu cầu quan trọng đặt ra cho các cơ quan báo chí, cho mỗi người làm báo và các cơ sở đào tạo báo chí – truyền thông, nơi hằng năm bổ sung một lực lượng nhà báo trẻ được đào tạo cơ bản cho các cơ quan báo chí.
Để nâng cao bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa báo chí nước ta bắt kịp với xu thế phát triển của báo chí – truyền thông trong thờ kỳ hội nhập, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu của các cơ sở đào tạo báo chí, các cơ quan báo, Hội Nhà báo Việt Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách: “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập”. Nội dung cuốn sách gồm 34 bài tham luận tại Hội thảo Khoa học “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” của các nhà báo, nhà khoa học và nhà quản lí báo chí. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những kết quả nghiên cứu lý luận, những kinh nghiệm nghề nghiệp sinh động, đưa ra một số gợi ý, đề xuất có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động tác nghiệp, quản lý báo chí và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học…
Hy vọng cuốn sách sẽ được các nhà báo, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước và các bạn sinh viên ngành báo chí truyền thông đón nhận và sử dụng như một tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tác nghiệp và học tập.
Mời bạn đón đọc.