Đây là một trò chơi phổ biến, không phân biệt nam nữ, già trẻ. Người chơi thường là những người giàu sang, quan chức hoặc không ít nhà lãnh đạo cấp cao. Chính vì thế đằng sau "bộ mặt thật" của những cao thủ mạt chược, một xã hội hiện thực của Trung Quốc hiện lên vô cùng sinh động.
"Hồ Bằng phấn khởi tiếp lời Mạnh Xuyên Thanh, anh nói quan hệ giữa người với người ở Trung Quốc giống như chơi mạt chược, quá nhiều pha người nhìn người, người trông người, vợ chồng với nhau cũng không ngoại lệ. Mạnh Xuyên Thanh phá lên cười, hỏi Hồ Bằng: "Có phải anh bị vợ quản quá chặt?". Hồ Bằng bảo không phải, mà là đáng thương cho một số người suốt ngày bị vợ nhìn ngó, những người này không còn được tự do, nên đi giày vò người khác, vậy là có quan bất nhân.
Thông qua trò chơi nổi tiếng, nhà văn Vương Thụ Hưng đã xây dựng một câu chuyện đầy cơ trí, mưu mô và thủ đoạn. Ván cờ người xoay quanh cuộc sống của ba nhân vật, Hồ Bằng, Trình Văn Hòa và Dương Oánh Oánh. Hồ Bằng là một người chơi bài rất giỏi nhưng chưa bao giờ anh ta chơi lớn. Văn Hòa làm việc tại ngân hàng, vì mải chơi mạt chược mà bỏ vợ là Dương Oánh Oánh ở nhà buồn chán. Dương Oánh Oánh đã mời Hồ Bằng đến nhà chơi mạt chược để giải sầu. Kể từ đó cuộc sống gia đình và con đường công danh của các nhân vật này bị biến động.
Trình Văn Hòa phải vào tù vì tội tham ô, nhận hối lộ dẫn đến sự chấn động ở chốn quan trường. Kết thúc của Văn Hòa cũng lý giải rằng, cuộc sống là một vòng tròn luôn luôn biến đổi, mỗi người đều có vận mệnh riêng. Và sự tính toán, xoay sở của Hồ Bằng cũng không thể thoát ra khỏi vòng tròn ấy.
Nhà văn Vương Thụ Hưng quê ở tỉnh Giang Tô, là hội viên Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có thể loại truyện dài và tiểu thuyết. Cốt truyện trong các tác phẩm của ông rất phong phú, cách kể chuyện khôi hài, dí dỏm, khắc họa nhân vật rõ nét. Hiện tại, ông sống ở Bắc Kinh và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Xuất bản xã.
Ở các nước phương Tây vì sao tiểu thuyết chốn quan trường dường như vắng bóng trong khi phương Đông, sự xuất hiện của các quan tham lại "có đất sống" trong nhiều tác phẩm văn học? Sẽ có nhiều sự so sánh về dòng văn học đậm chất hiện thực này với hiện thực cuộc sống giữa các quốc gia trên thế giới. Nhưng có điều dễ nhận thấy rằng, những nhân vật "quan tham" thường không dễ dung thân ở một đất nước mà nền tự do dân chủ được đề cao như Mỹ, Anh, Pháp và các nước phát triển.
Thêm nữa là sự nghiêm minh của luật pháp, điều ấy khiến những kẽ hở dẫn đến việc tham nhũng càng bị thắt chặt. Người phương Tây nổi bật với tính cách sòng phẳng, công tư rõ ràng, họ ít khi vì tình riêng mà làm ảnh hưởng đến việc công. Còn ở Việt Nam, nói về dòng văn học quan trường, tham nhũng, hối lộ… có seri phim Cảnh sát hình sự, Chạy án nhưng những tác phẩm ấy chỉ sống được trên màn ảnh chứ chưa phát triển nhiều trong các tác phẩm văn học. Một phần do các nhà văn Việt Nam thường đi vào triết lý cao siêu, những đề tài giật gân câu khách, những vấn đề nhân sinh kiểu tình tiền tù tội, cướp, giết, hiếp hoặc những vấn đề nóng bỏng một thời như đồng tính…
Nhận định về Ván cờ người, Vương Cán, Chủ biên Trung Hoa văn học tuyển san và là nhà phê bình văn học TQ nói: "Trong Ván cờ người, tác giả đã xây dựng nên một cốt truyện khôi hài, dí dỏm, khắc họa nhân vật rõ nét. Con đường công danh thăng trầm, tình cảm của con người trên bàn mạt chược được phóng đại. Tác phẩm đã vẽ nên một xã hội thu nhỏ với nhiều loại người trở thành một bộ "đánh bạc" đặc sắc". Còn Trương Kháng Kháng, phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc thì bình luận: "Ván cờ người là tác phẩm xứng đáng có trên tủ sách của nhà bạn. Nó không phải là một bông hoa nở lúc bình minh nhưng lại có một sức sống mãnh liệt. "Bốn người ngồi cùng một bàn chơi", trong cuộc chơi đỏ đen được mất này, người chơi trước sau cũng phải dừng lại. Nhưng cũng có những người quá ham chơi không biết bao giờ mới hạ màn".
Tiểu thuyết Ván cờ người của nhà văn Vương Thụ Hưng (Trung Quốc) dày 411 trang. Đây là tác phẩm tiểu thuyết quan trường ăn khách ở Trung quốc hiện nay. Tác phẩm đề cập đến chốn cửa quan đầy sóng gió, sự lừa gạt, dối trá nơi đây, hay đến sự bằng mặt nhưng không bằng lòng ở chốn tình trường thông qua mối quan hệ nhân sinh giữa con người với con người qua một ván bài.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn