Giới thiệu sách Ươm Mầm Nhận Thức
Bảy kỹ năng sống cốt lõi mà mọi trẻ em đều cần
Có hàng trăm cuốn sách đưa ra lời khuyên cho cha mẹ, từ việc dạy trẻ cách đi vệ sinh, tuân thủ kỷ luật cho đến dinh dưỡng. Dù có quá nhiều thông tin được cung cấp, song lại có rất ít những lời khuyên dựa trên các nghiên cứu khoa học cho các bậc phụ huynh về việc làm sao nuôi dạy con trở thành những em bé ngoan và phát triển toàn diện các tiềm năng của trẻ, giúp trẻ học được cách đảm đương các thử thách của cuộc sống, giao tiếp tốt với mọi người và giữ được niềm say mê học tập. Đó là những “kỹ năng cần thiết” mà Ellen Galinsky đã dành tâm huyết theo đuổi suốt trong sự nghiệp của bà, thông qua những nghiên cứu của riêng bà và qua nhiều thập kỷ trò chuyện với hơn một trăm nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực khoa học thần kinh và sự phát triển của trẻ. Tin tốt là có những điều đơn giản hằng ngày mà qua đó bậc cha mẹ nào cũng có thể giúp trẻ xây dựng những kỹ năng này ngay hôm nay và trong tương lai. Chúng không hề tốn kém, và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu.
Trong cuốn sách Ươm mầm nhận thức, Ellen Galinsky đã tập hợp các nghiên cứu này thành bảy lĩnh vực chính cần thiết cho trẻ nhất: (1) Tập trung và tự chủ; (2) Nắm bắt quan điểm; (3) Giao tiếp; (4) Tạo liên kết; (5) Suy nghĩ thấu đáo; (6) Đảm đương thử thách; (7) Tự định hướng, say mê trong học tập.
Trong từng kỹ năng, Galinsky chỉ ra những điều được minh chứng bởi các nghiên cứu khoa học và bà cung cấp nhiều việc cụ thể mà cha mẹ có thể làm – bắt đầu ngay từ hôm nay – để trau dồi các kỹ năng cho trẻ. Đó là những kỹ năng giúp trẻ có khả năng tập trung vào mục tiêu vì thế chúng có thể học hỏi dễ dàng hơn và kết nối với những gì chúng vừa học được. Đây là những kỹ năng chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng đương đầu với những áp lực của cuộc sống hiện đại, các kỹ năng mà trẻ sẽ tiếp cận bây giờ và trong những năm tới.
Ươm mầm nhận thức thực sự là cuốn sách mang tính đột phá, chỉ dẫn cho phụ huynh cách làm sao để cung cấp cho trẻ những công cụ quan trọng nhất mà chúng cần. Sách đã nhận được sự hoan nghênh của những tên tuổi uy tín như Tiến sĩ y khoa T.Berry Brazelton, Tiến sĩ y khoa David A. Humburtg, chuyên gia viết sách Adele Faber, và nhà báo Judy Woodruff, Ươm mầm nhận thức được cho là sẽ trở thành cuốn sách kinh điển trong lĩnh vực nuôi dạy con cái.
7 kỹ năng sống cốt lõi mà mọi trẻ em đều cần là gì?
1. Tập trung tự chủ: Trẻ cần kỹ năng này để đạt được những mục tiêu của chúng, đặc biệt là trong một thế giới đầy rẫy những tác nhân gây xao lãng và dễ bị chìm ngập trong biển thông tin. Kỹ năng này bao gồm sự tập trung, khả năng ghi nhớ các quy tắc, nhận thức linh hoạt và học cách tự kiểm soát bản thân.
2. Nắm bắt quan điểm: Nắm bắt quan điểm không đơn thuần chỉ là việc bày tỏ sự thấu cảm, nó còn bao hàm khả năng hiểu những người khác suy nghĩ và cảm nhận thế nào, và hình thành nền tảng sự hiểu biết của trẻ về những mong muốn của cha mẹ, thầy cô giáo và bạn bè của trẻ. Những trẻ có thể nắm bắt quan điểm của người khác cũng có xu hướng ít tham gia vào các xung đột.
3. Giao tiếp: Giao tiếp không chỉ là hiểu về ngôn ngữ, nói, đọc và viết – nó còn là một kỹ năng quyết định điều bản thân muốn giao tiếp và nhận ra sự giao tiếp của chúng ta sẽ được người khác hiểu như thế nào. Hiện tại giáo viên và những người sử dụng lao động cảm thấy đây là kỹ năng bị thiếu nhất.
4. Tạo liên kết: Tạo liên kết là yếu tố quan trọng của khả năng học tập – sự nhận thức được sự giống và khác nhau đồng thời phân loại những sự việc này theo phạm trù khác nhau. Việc tạo ra những liên kết khác thường là cốt lõi của sự sáng tạo. Trong một thế giới mà con người có thể “google” để tìm kiếm mọi thông tin, thì những ai có thể nhận ra sự kết nối sẽ không chỉ dừng lại ở việc hiểu thông tin mà còn có thể sử dụng tốt các thông tin đó.
5. Suy nghĩ thấu đáo: Suy nghĩ thấu đáo là sự tìm kiếm những hiểu biết hợp lý và đáng tin cậy để tác động đến niềm tin, quyết định và hành động.
6. Đảm đương thử thách: Cuộc sống đầy những áp lực và thử thách. Những đứa trẻ sẵn sàng lãnh lấy các thử thách (thay vì né tránh hoặc đơn giản là phải đương đầu với chúng) sẽ thành công hơn ở trường học và trong đời sống.
7. Tự định hướng, say mê trong học tập: Chính thông qua học tập chúng ta có thể khám phá ra tiềm năng của chính mình. Bởi thế giới luôn thay đổi nên chúng ta cũng vậy, chừng nào còn tồn tại thì chúng ta tiếp tục học tập.
Mời bạn đón đọc.