Lỡ một cái hẹn để gặp vợ chồng Lê Giang – Lư Nhất Vũ, nhưng bù lại được "gặp" đến hai cuốn sách mới nhất của Lê Giang: Ừa, chỉ có vậy thôi (tập bút ký – tản văn) và Tuyển tập thơ Lê Giang.
Với Lê Giang, có thể nói gặp sách đã là gặp được người, bởi khi lật từng trang sách là thấy hiển hiện một dáng người lui cui, một giọng cười rổn rảng, một phong cách trò chuyện bình dân hay trích dẫn ca dao, mà lúc nào nghe cũng thấm thía đã đời.
Không gặp Lê Giang, nhưng qua trang sách lại thấy hiển hiện cái không gian "vườn treo" trên tầng sáu chung cư năm nào. Tuy nhiên, trong tập bút ký – tản văn này, nhà thơ Lê Giang như cố tình đểnh đoảng, để nỗi nhớ… đi rong qua nhiều vùng miền và chảy ngược dòng thời gian. Và dường như cuộc đời này, với Lê Giang, nhẹ nhàng một quan niệm sống: Ừa, chỉ có vậy thôi. Và, sống là để thương nhau.
Đó không chỉ là lý thuyết suông, mà thành hành động sống mỗi ngày. Bởi vậy mà một "lão bà" đã ngoài 80 tuổi song vẫn luôn thấy "nhẹ nhàng là nhẹ nhàng ơi". Muốn nhẹ nhàng nào dễ, phải trải việc, phải biết sống, biết buông bỏ, biết mỉm cười… Và quan trọng hơn nhất, có lẽ là biết sống nhân chủ, tức làm chủ bản thân mình.
Biết nhà thơ Lê Giang qua bao nhiêu năm, nhưng cứ mỗi lần đọc sách của bà lại vỡ ra thêm nhiều điều, như chuyện người má "nhắc tuồng bụng" trong Người nhắc tuồng trong cánh gà nhà mình, hay chuyện "Chiều chiều ra đứng ngõ trông/Ngõ thì thấy ngõ người không thấy người" trong Ngoài đường có lắm chuyện vui… Đó chẳng phải là điều cao siêu gì; ừa, chỉ có vậy thôi, nhưng thấy lòng được thanh nhẹ, ấm áp lắm.
Tập thơ Lê Giang có nhiều bài quá, ngót gần 200 bài. Cũng phải thôi, vì đây là tuyển thơ của một đời cầm bút. Viết về người và thơ Lê Giang, nhà thơ Hoài Anh đã tinh tế nhận ra rằng: "Chị có xương sống của một người đàn ông và trái tim của một người đàn bà. Chị là đàn bà với những người đàn ông và đàn ông đối với những người đàn bà". Và Hoài Anh cho rằng: "Một đời chị đã địu cả trên… thơ". Nghĩa là trên thơ là tất cả cuộc đời của Lê Giang.
Điều ấy đúng, nhưng cũng xin nói thêm một điều rằng: Lê Giang là người ít dụng công làm thơ; dường như bà quan niệm thơ như một thứ nhật ký cảm xúc. Do đó, khi đọc thơ Lê Giang ta bắt gặp đôi khi cùng lúc: sự vụng về, vẻ thô mộc, nét lấp lánh, sự rời rạc và cả nhịp điệu tự nhiên. Làm thơ không để khoe tài, mà như ghi nhật ký đời mình: "Đã trót tháng năm lau lách cuộc hành trình/Tìm kiếm người ở ngoài đời trong trang sách/Tìm kiếm trong trang sách ngoài cuộc đời giả thật/Rước thêm các cụ già bỏm bẻm xự xế xang…" (Đi đi về về). Vậy đó. Thơ cũng như tản văn. Ừa, chỉ có vậy thôi!
(Báo tuoitre.vn giới thiệu ngày 14/12/2012)
TRẦN NHÃ THỤY
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn