Nhân vật dị biệt “tôi” với những đấu tranh, giằng xé trong nội tâm từ những mảnh vụn của kí ức, những liên tưởng về các nhân vật trong cuốn sách được đánh số ngẫu nhiên, những tưởng tượng về các nhân vật trên đường, giấc mơ hoang đường giữa ban ngày… là hành trình của nhân vật tôi đi tìm mình, đối diện với hiện thực cuộc sống được nhà văn viết theo lối tiểu thuyết hư cấu, dòng kí ức, một hướng đi đầy thử thách trong nền văn học đương đại.
Tên tác giả: Nhà văn Uông Triều- phụ trách Văn học nước ngoài tại Tạp chí Văn nghệ Quân độiTên sách: Tưởng tượng và dấu vết
Thể loại: Tiểu thuyết, dài 238 trang
Nhà xuất bản Nhã Nam & Nxb Văn học
Uông Triều tên thật là Nguyễn Xuân Ban, người con sinh ra và lớn lên trên đất mỏ Quảng Ninh. Từ vai trò là một người thầy đứng trên bục giảng, anh chuyển tay ngang trở thành một nhà văn tiêu biểu của thế hệ 7x với giọng văn khá phức tạp, kĩ thuật, luôn tìm tòi đổi mới với những tác phẩm đáng chú ý như: Đôi mắt Đông Hoàng (tập truyện ngắn); Những pho tượng đá ở Yên Tử (Khảo cứu văn hóa); Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân (tập truyện ngắn)…
Ngày 7/11/2014 vừa qua, anh vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết dài hơn 200 trang với tựa đề “Tưởng tượng và dấu vết”. Có thể nói, thuộc thế hệ nhà văn trẻ, thế nhưng đọc và khảo cứu những tác phẩm của anh viết trước đó, ta có thể thấy rằng, anh là một nhà văn hướng cái nhìn và ưa thích “tông” hoài cổ, với sự yêu thích và thể hiện một cách sâu sắc những khía cạnh văn hóa truyền thống, lịch sử và đời sống xưa.
Cuốn tiểu thuyết này có hướng đi hoàn toàn khác với những tác phẩm của anh rất rõ. Nó mang dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây. Xuất phát từ sự thay đổi của đời sống thời đại, khi mà xã hội phát triển, kinh tế, chính trị, khoa học, kĩ thuật phát triển, đời sống và môi trường của con người ngày càng hiện đại. Nhưng mặt trái của xã hội đó, là con người không có quá nhiều sự tiếp xúc với nhau, hay nói đúng hơn là có tiếp xúc nhưng không có sự liên kết, thấu hiểu.
Con người trong cuộc sống hiện đại như những cỗ máy, hoạt động theo một guồng quay nhất định, dần dần trở nên chai lì, mất cảm xúc trong tâm hồn. Họ cô đơn dẫu xung quanh là cả rừng người. Mất ý nghĩa- có thể xác định triết học của thời “hậu hiện đại” một cách đơn giản và cô đúc như vậy.
Con người hậu hiện đại chỉ thấy bạo lực trần trụi, sự gắn buộc nhân tạo để làm nên chỉnh thể. Chuẩn mực của hậu hiện đại là “không chọn lọc” và “không thứ bậc”, tức là nền dân chủ của những mảnh vỡ, sự từ chối những nguyên tắc sắp xếp thành những chỉnh thể mà chia thành những mảng riêng rẽ, vừa mâu thuẫn, vừa phủ nhận lẫn nhau.
Tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại là sự thể hiện sự mất niềm tin vào sự tồn tại của những nguyên lí và qui luật chung của thế giới, mất lòng tin vào lí trí con người. Những khái niệm qua khoa học được công nhận thì nay biến thành những mảng sương mù bị che lấp. Đời sống cái giả, cái thật, cái huyền ảo, thực tại đan xen. Lúc này con người hoàn toàn hoang mang khi đứng giữa thế giới và đi tìm ý nghĩa của sự tồn tại của chính mình.
Tưởng tượng và dấu vết là cuốn tiểu thuyết với xu hướng hiện đại: ngày càng ngắn đi nhưng nội dung và những vấn đề nóng hổi của đời sống được dồn nén và cô đọng lại. Đọc tác phẩm, độc giả như tìm được bóng dáng của nhân vật kí hiệu hay cái nghịch dị trong tác phẩm của F. Kafka, hay lí thuyết dòng kí ức phân mảnh của Freud.
Thế giới trong “Tưởng tượng và dấu vết” là thế giới của thực và ảo đan xen. Trong đó, nhân vật chính trong vai người kể chuyện, xưng “tôi”, là một chàng trai 26 tuổi, không tên, chịu một tai nạn thảm khốc không thể đi lại, có cha và mẹ, thế nhưng gia đình chỉ là điểm đánh dấu cho nhân vật khi bố, mẹ chàng trai đều có cuộc sống và mối quan tâm riêng của họ, để nhân vật “tôi”- đứa con ở trong thế giới, không gian của riêng mình với một hoạt động quen thuộc: đọc những cuốn sách được đánh số ngẫu nhiên và thi thoảng nhìn ra bên ngoài cái thế giới nhỏ bé gói gọn trong một căn phòng chật hẹp bằng khung cửa sổ xanh, ngắm nhìn và dò xét những con người, những khuôn mặt quen thuộc trên đường.
Chàng trai có những tưởng tượng kì lạ: nhìn những cô gái đẹp đi ngang qua để làm tình với họ bằng mộng tưởng, có những giấc mơ giữa ban ngày, hay những nhân vật từ trong tranh bước ra. Có những con người như thật lại như mơ: nhân vật Miên – mối tình đầu của “tôi” hiện lên trong kí ức của mối tình thơ trẻ của chàng trai, trong những dằn vặt của hiện tại và những giấc mơ “làm tình” việc giải thoát ẩn ức tính dục trong con người chàng trai.
Đó là nhân vật ông lão, cô gái câm, cô gái có chiếc túi màu vàng chanh quai đỏ, dường như họ có một sức mạnh vô hình, họ giấu và dụ hoặc chàng trai đi tìm những bí mật trong chiếc balo dày, trong những bức tranh, trong chiếc túi màu vàng chanh, trong những viên pha lê màu xanh và dãy số 668.211.
Tại sao các nhân vật lại xuất hiện khi thực khi ảo, họ đóng vai trò gì trong cuộc đời của chàng trai? Tại sao bố mẹ của nhân vật tôi đều có cách sống lạ lùng: ban đầu người bố ngoại tình với một cô gái trẻ. Cô gái trẻ ấy là một người phụ nữ không bình thường. Nhân vật “tôi” có thể cảm nhận bằng khứu giác và thính giác sự ngoại tình ấy.
Đến người mẹ, mẹ chàng trai cũng không để ý tới cuộc sống của người chồng, mà tìm tới một cách riêng: ngoại tình với cây cổ thụ. Các tình tiết ghen tuông kì ảo giữa cây cổ thụ và ông bố?… Tất cả những bí mật ấy theo đuổi nhân vật “tôi” tới những trang sách cuối, để nhân vật tự tìm mình. Và người đọc, theo đó, cũng tự tìm câu trả lời.
Có thể nói văn phong “gây hấn” với độc giả là một cách viết không còn quá mới mẻ ở nền văn học Việt Nam với những cây bút như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Nguyễn Xuân Khánh… đến thế hệ trẻ đi sau như Uông Triều, anh cũng đã có cách “gây hấn” với độc giả theo kiểu gợi mở để người đọc tự khám phá và suy nghĩ theo những cách riêng của mình.
Tiểu thuyết còn chứa đựng nghệ thuật đa chiều đồng hiện đó là: truyện lồng trong truyện. Câu chuyện nhân vật “tôi” với câu chuyện trong những cuốn sách “tôi” đang đọc, nhân vật “tôi” với những khát khao làm nên một tác phẩm văn học tuyệt vời được ấp ủ từ thời thơ ấu mà trong tác phẩm đócó một nhân vật được xây dựng nên: đó là một chàng trai, một kẻ đi tìm mình, tìm và hóa giải kí ức, tìm cách thoát khỏi nửa dưới mang lốt thú dữ…
Tác phẩm được viết theo kĩ thuật khá kén người đọc. Nhẫn nại và tìm ý nghĩa sâu xa của Tưởng tượng và dấu vết, chúng ta thấy tác giả đã khắc họa một thế giới với những vấn đề hiện thực và nhức nhối của con người: Cuộc sống văn minh, hiện đại nhưng guồng quay của con người thì xô bồ, máy móc, họ không có thời gian quan tâm đến nhau, thế giới của vô tình, của vô cảm đang lấn chiếm!.
Trước thế giới báo động đó, con người cần đi tìm bí mật, ý nghĩa của cuộc sống: là tự do hay hạnh phúc? Mọi câu hỏi đều khó lí giải, mỗi người hãy tự giải đáp ý nghĩa của riêng mình, như bản chất của phức tạp của đời sống này!
Ngọc Hiên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn