Các nước châu Á được đánh giá là có bước phát triển thần kỳ trong giai đoạn cuối thế kỷ XX hầu như đều được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Một Lý Quang Diệu làm nên sự phát triển vượt bậc của Singapore, công cuộc đổi mới của Trung Quốc gắn với tên tuổi Đặng Tiểu Bình, sự bùng nổ của Hàn Quốc gắn với giai đoạn cầm quyền của Park Chung Hee, và ở Malaysia là Tun Dr Mahathir Mohamad.
Tại Việt Nam, độc giả đã có cơ hội biết danh các vị lãnh đạo này qua nhiều cuốn hồi ký và sách viết về Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình… trong khi câu chuyện thần kỳ của Malaysia chưa được đông đảo độc giả hiểu rõ. Hồi ký chính trị Tun Dr Mahathir Mohamad không chỉ là hồi ức của một con người, một nhân vật, mà còn là những dấu mốc gắn với sự phát triển của Malaysia, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.
Trong nguyên bản, cuốn sách có tên A Doctor in the House, là một cách chơi chữ khó chuyển ngữ. Bản thân Mahathir Mohamad là một bác sĩ được đào tạo đúng chuyên môn. Nhưng với sự nghiệp cả đời cống hiến cho Malaysia, ông – với cương vị thủ tướng tới 22 năm – cũng chính là vị bác sĩ tài ba đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho nền chính trị, kinh tế của quốc gia này. Cuốn sách dày gần 1.000 trang do chính Mahathir viết và xuất bản tại Malaysia năm 2011.
Trong cuốn sách đồ sộ, vị thủ tướng thứ tư của Malaysia kiêm cựu Chủ tịch Đảng UMNO đã ghi lại quá trình hoạt động chính trị của mình. Sinh ra trong một gia đình khá nghèo, Mahathir Mohamad được cha mẹ giáo dục thành một công dân có trách nhiệm. Do nhà nghèo, ông phải theo học ngành y theo học bổng. Các vị lãnh đạo đảng UMNO của Malaysia thường xuất thân từ những gia tộc lớn, chỉ có Mahathir là vị thủ tướng đầu tiên của Malaysia không thuộc giới quý tộc.
Mahathir lớn lên trong một đất nước có hoàn cảnh xã hội phức tạp. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người Malaysia thoát khỏi ách thống trị của người Anh, nhưng chịu nhiều di chứng nặng nề: tranh chấp biên giới với Indonesia, Thái Lan, quan hệ xấu với Singapore… Trên đất nước này, người Malaysia là công dân hạng dưới, người Hoa nắm hết quyền lợi kinh tế, chính trị. 70% người dân sống ở mức nghèo khổ, tỷ lệ biết chữ thấp, cả nước chỉ có 100 người học đại học. Malaysia lại là một đất nước đa tôn giáo (Công giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo); đa sắc tộc (người Hoa, Ấn, Malaysia gốc Arab, Malaysia gốc Ấn, Malaysia thuần…); chính trị cũng phức hợp, xã hội nặng về phong kiến, chấp nhận đa thê, hôn nhân cận huyết…
Trong cuốn hồi ký của mình, cựu thủ tướng Malaysia đã đưa ra những phân tích sâu sắc về lịch sử đất nước cùng những giải pháp, bước đi của ông. Qua đó có thể thấy được vai trò của Mahathir trong công cuộc xây dựng và phát triển Malaysia hiện đại, biến một nền kinh tế trồng cây cao su và khai thác mỏ thành một trong những nước công nghiệp phát triển nhất của châu Á.
Hồi ký chính trị Mahathir Mohamad không chỉ là hồi ức của một con người, một nhân vật làm nên lịch sử Malaysia, mà có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho các độc giả Việt Nam, bởi Việt Nam và Malaysia có nhiều điểm tương đồng. Cuốn sách đồ sộ này nằm trong tủ sách Những nhà kiến tạo quốc gia của Alphabooks.
(Báo vnexpress.net giới thiệu ngày 26/11/2013)
Hiền Đỗ
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn