Giới thiệu sách Tư Trị Thông Giám – Tập 4 – Phát Hành Dự Kiến 10/07/2019
Trong tập trước, Tư trị thông giám ghi chép lại 129 năm trị vì của tám vị Hoàng đế nhà Hán, từ Hán Ai đế đến Hán An đế,bắt đầu từ năm 05 TCN cho đến năm 124 CN. Quãng thời gian đó chứng kiến nhiều bước thăng trầm của vương triều Hán, từ sự đi xuống của nhà Tây Hán thời Ai đế, Bình đế đến giai đoạn Vương Mãng soán ngôi lập nhà Tân; từ việc Hán Quang Vũ đế mở ra thời kỳ Đông Hán đến giai đoạn ngoại thích chuyên quyền, hoạn quan lũng đoạn triều chính thời Hòa đế, Thương đế, An đế.
Nhà Hán nhờ Hán Quang Vũ đế Lưu Tú mà kéo dài thêm hai trăm năm, nhưng công cuộc Quang Vũ trung hưng không giải quyết được hết những vấn đề tồn tại từ cuối thời Tây Hán,trong kết cấu xã hội. Vấn nạn lớn nhất là việc giới tông thất, hào tộc thôn tính ruộng đất của nông dân vẫn còn đó. Việc thực thi chiếu lệnh kiểm hạch số hộ khẩu và số ruộng đất trên toàn quốc ở năm Kiến Vũ thứ mười lăm (năm 39 CN) về cơ bản là thất bại.
Về chuyện này, Tư trị thông giám chép rằng: “Thứ sử, Thái thú đa phần làm việc xảo trá, cẩu thả lấy danh nghĩa đo ruộng đất, tụ dân trong ruộng, đo gộp luôn cả phòng ốc, chòm xóm, làng mạc, dân co kéo gào khóc trên đường; có kẻ ưu đãi cường hào, xâm hại ngược đãi người yếu nhược”. Có thể thấy, sức mạnh ghê gớm của giới huân quý đã thao túng hành động của tầng lớp quan lại địa phương,khiến họ làm ngơ cho tập đoàn cường hào địa chủ mà tập trung vào đàn áp dân đen. Quang Vũ đế, ngay cả khi phát hiện ra “chỉ thị ngầm” của giới quan lại “Dĩnh Xuyên và Hoằng Nông có thể hỏi, Hà Nam và Nam Dương không được hỏi đến” cũng đành nhắm mắt bỏ qua không xử phạt ai, vì ông ta chính nhờ sự hỗ trợ của thế lực hào tộc Nam Dương, Hà Nam này mà giành được thiên hạ. Như vậy, “lợi ích nhóm” và những vấn đề chiếm hữu tư liệu sản xuất đã luôn là điểm cốt lõi ảnh hưởng đến sự an nguy của mọi hình thức tổ chức nhà nước, kể từ xa xưa cho đến hiện tại.
Quyết định nhượng bộ giới quyền quý của Hán Quang Vũ đế đã gián tiếp thúc đẩy nông dân nghèo mất đất nổi dậy phản kháng ở nhiều nơi. Triều đình phải dùng biện pháp trấn áp kết hợp với vỗ về, bố trí ruộng đất ở những vùng chưa khai khẩn để bọn họ yên nghiệp mưu sinh. Hán Minh đế và Hán Chương đế cũng kế thừa phương thức này khi nhiều lần chiêu mộ nông dân mất đất, di chuyển họ đến khai hoang các vùng đất mới, lại hỗ trợ hạt giống và nông cụ. Mâu thuẫn trong phân phối tư liệu sản xuất, một trong những vấn đề mang tính chất cốt lõi nhất của xã hội đương thời, đã được “tạm xếp lại” nhờ phương thức xử lý mang tính hòa hoãn, nhưng những mầm mống họa hạicủa nó thì vẫn còn nguyên và sẽ bùng nổ trở lại vào cuối thời Đông Hán, khi mà dân số thì ngày một đông lên và số đất đai bị cường hào quý tộc chiếm đoạt đã đến mức giới hạn.
Tư trị thông giám tập bốn trong tay bạn đọc gồm 18 quyển, ghi lại giai đoạn gần một trăm năm cuối vương triều Đông Hán với xu hướng ngày càng suy tàn, mà việc phân tích những căn nguyên của xu hướng ấy và lý do ra đời cục diện Tam quốc phân tranh sẽ để lại cho chúng ta nhiều bài học đắt giá.
Tư trị thông giám tập ba và tập bốn nối tiếp nhau chép lại một chuỗi các sự kiện liên tục có tính chất quyết định hướng đi của nhà Đông Hán, đó là sự trỗi dậy của thế lực ngoại thích, lực lượng hoạn quan xuất hiện, tập đoàn sĩ đại phu tham chiến, các quân phiệt địa phương nổi dậy cát cứ. Tất cả bắt đầu từ tình trạng vua còn nhỏ, thái hậu lâm triều, ngoại thích hoành hành,điều này vốn từng xuất hiện trong thời kỳ nhà Tây Hán (trường hợp Lã hậu). Ở tập ba, Hán Hòa đế lên ngôi năm 11 tuổi, Đậu Thái hậu lâm triều, Đậu Hiến giữ chức Đại tướng quân, lại được ban địa vị trên cả Tam công, là kẻ hung bạo tàn nhẫn, giết hại triều thần; anh em Đậu gia lại hung hăng càn quấy, cưỡng đoạt tài vật, cướp bắt phụ nữ, không điều ác nào không làm.
Hán An đế lên ngôi năm 13 tuổi, Đặng Thái hậu lâm triều, mặc dù trị lý hiệu quả, lại cố gắng ước thúc Đặng gia, nhưng rốt cuộc vẫn có chuyện Tư không Viên Sưởng vì cương trực không bè phái với họ mà bị bức tự sát, Hộ Khương hiệu úy Nhâm Thượng tranh công với Đặng Tuân mà bị chém đầu.
Mời bạn đón đọc.