Giới thiệu sách Từ Nghiên Cứu Đến Công Bố Kỹ Năng Mềm Cho Nhà Khoa Học – Tái bản 07/2013
Từ Nghiên Cứu Đến Công Bố Kỹ Năng Mềm Cho Nhà khoa Học là cuốn sách bàn về những vấn đề thiết thực trong nghiên cứu khoa học mà có lẽ bất cứ ai đang quan tâm đến khoa học, nhất là sinh viên và nghiên cứu sinh, đều có thể tìm thấy vài điều có ích.
Đối tượng chính của cuốn sách này là các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng có thể tìm thấy trong sách nhiều thông tin đáng quan tâm, như làm thế nào để đánh giá một câu hỏi nghiên cứu (research question), thế nào là bài báo khoa học, làm thế nào để thành công trong khoa học, cách viết bài báo khoa học, cách trình bày báo cáo trong hội thảo quốc tế, v.v… Những chủ đề này được sắp xếp thành 2 chủ đề: khoa học & đạo đức khoa học, và công bố quốc tế. Đây là hai chủ đề cũng đang rất “thời sự” ở nước ta.
***
Ở kỷ nguyên tin học này, một em học sinh phổ thông ở nước ta cũng có thể nói được rằng khoa học là nền tảng của sự phát triển xã hội và nghiên cứu khoa học, do vậy, là hoạt động vô cùng quan trọng. Nhưng, thế nào là nghiên cứu khoa học, và đâu là “thước đo” trong nghiên cứu khoa học, hoặc thế nào là văn hóa khoa học… thì ngay cả nhiều người có học vị cao ở bậc đại học cũng không trả lời ổn thỏa.
Không chỉ đối với những vấn đề mang tính khái quát như vậy mà cả với những câu hỏi cụ thể như: làm sao để viết một bài báo khoa học, trích dẫn tài liệu phải theo cách thức nào, vì sao phải công bố rộng rãi một công trình nghiên cứu, hoặc thế nào là đạo văn, “đạo số liệu”… cũng khó tìm được câu trả lời rành mạch, đúng đắn.
Trong khi đó, thực tế lại đang diễn ra tình trạng rất đáng buốn, đáng lo trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, từ chuyện “làm khoa học” bằng cách… đạo văn, điều tra cẩu thả, không đúng phương pháp, thậm chí có nhưng cơ quan quản lý đưa ra nhiều quy định hành chính gọi là dựa trên “cơ sở khoa học” mà thật ra chẳng khoa học tí nào!
Có lẽ nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là văn hóa khoa học nước ta chưa được như các nước tiên tiến, trong đó có phần do lâu nay chúng ta thiếu các chương trình giảng dạy, sách báo, tài liệu hướng dẫn, giải thích về bản chất cũng như cách thức tiến hành nghiên cứu khoa học. Như vậy, để có thể nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, gia tăng sự hiện diện của khoa học VN trên trường quốc tế, rõ ràng cần phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng tầm hiểu biết chung về phương pháp nghiên cứu khoa học.
Với mong mỏi được đóng góp một phần nhỏ trong công việc ấy, từ nhiều năm qua, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện công tác tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan – Úc, đã viết nhiều bài đăng trên các tờ báo trong nước như: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi Trẻ, Tia Sáng, Thanh Niên, VietNam Net… liên quan đến nghiên cứu khoa học, trên cơ sở cung cấp các kiến thức cũng như những kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học trong nhiều năm của tác giả.
Cuốn sách này ra đời trên cơ sở tập hợp những bài viết về hai nội dung chính: nghiên cứu khoa học và việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Trong phần đầu, tác giả cố gắng làm rõ các khái niệm cốt yếu như “hoạt động nghiên cứu khoa học”, “cơ sở khoa học”, cách xác định đề tài nghiên cứu, vấn đề đạo đức khoa học, văn hóa khoa học… Về phương diện công bố kết quả nghiên cứu khoa học, tác giả chủ yếu tập trung vào hình thức bài báo khoa học đăng trên tập san quốc tế. Do khuôn khổ có giới hạn của bài viết đăng trên báo đại chúng cho nên tác giả thường đề cập đến các vấn đề một cách tổng quát, căn bản, và mặt khác, vốn là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh học cho nên khi khai triển vấn đề cũng như khi đưa ra dẫn chứng, tác giả thường dựa nhiều vào các nghiên cứu ngành y sinh học. Tuy vậy, những yêu cầu cơ bản, những nội dung thiết yếu trong nghiên cứu khoa học nói chung và cách thức công bố kết quả nghiên cứu khoa học đều được tác giả trình bày một cách rõ ràng, có hệ thống theo các chuẩn mực quốc tế bằng một văn phong sáng sủa, dễ hiểu, lập luận chặt chẽ, dẫn liệu phong phú, đáng tin cậy. Xét về phương diện phổ biến kiến thức thì đó chính là những ưu điểm của tác giả.
Trong thực tế, hoạt động nghiên cứu khoa học vốn đa dạng, phức tạp, và có sự khác biệt nhất định giữa nghiên cứu trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học cũng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác như: luận văn, sách biên khảo, công trình điền dã, điều tra xã hội học… Nói chung, còn nhiều nội dung cần được đề cập cặn kẽ, đầy đủ hơn nữa, và để có thể truyền đạt đầy đủ những nội dung đó hẳn sẽ cần đến nhiều cuốn sách, tài liệu hướng dẫn khác trong tương lai. Thiết nghĩ, đó là công việc chung của giới khoa học nước ta.
Riêng với cuốn sách này, hy vọng nó sẽ giúp ích cho những người mới bước vào nghiên cứu khoa học, đặc biệt là với các bạn sinh viên, qua việc cung cấp những thông tin, những kiến thức phổ thông, cần phải có để làm hành trang trên con đường nghiên cứu khoa học – con đường vốn không ít cam go, thử thách mà cũng rất đáng tự hào.
Mời bạn đón đọc.