Giới thiệu sách Từ Điển Từ Vay Mượn Trong Tiếng Việt Hiện Đại
Thời gian gần đây hiện tượng dùng xen từ ngữ nước ngoài trong tiếng Việt đã trở nên khá phổ biến trên báo chí Việt Nam. Đó là một hiện tượng tự nhiên của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Trong tình hình toàn cầu hóa đang diễn ra mọi mặt của đời sống xã hội, hiện tượng này càng trở nên phổ biến hơn. Nó trở thành nguồn bổ sung quan trọng nhất vào kho tàng từ ngữ của một dân tộc. Bên cạnh mặt tích cực, việc dùng xen tiếng nước ngoài vào tiếng Việt cũng tạo ra nhiều nghịch lý cần phải được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. trong kỉ nguyên bùng nổ thông tin, với sự trợ giúp của công nghệ đa phương tiện, một mặt thông tin len lõi đến tận từng nhà, ngay cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nhưng mặt khác cách sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải thông tin đôi khi còn trở thành một rào cản đối với rất nhiều người đọc và người nghe, nhất là đối với tầng lớp lao động nông thôn, những người đã chịu nhiều thiệt thòi về tiện ích xã hội, nay lại phải thua thiệt về mặt tiếp cận văn hóa, tinh thần. Vì thế, vô hình trung ngôn ngữ trở thành yếu tố gia tăng sự cách biệt giữa các tầng lớp xã hội với nhau.
Việc ra đời quyển từ điển này xuất phát từ mối quan tâm đến thực trạng sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng còn nhiều vấn đề cần phải cân nhắc như hiện nay và muốn đưa đến độc giả một công cụ giúp “giải mã” những từ ngữ được vay mượn từ tiếng nước ngoài đang được lưu hành trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, từ báo nói (truyền thanh, truyền hình) đến báo viết (nhật báo, tuần báo…). Hiểu thấu đáo một từ hoặc cụm từ “lạ” không phải lúc nào cũng là một việc đơn giản, dễ thực hiện! Khi ta sử dụng công cụ tra cứu là từ điển để tìm lời giải đáp thì có nhiều từ chưa được cập nhật vào từ điển, kể cả từ điển được biên soạn ở nước ngoài, nhất là đối với những từ thuộc các ngành công nghệ tiên tiến, như ADSL, ATM, cạc SIM… Độc giả sẽ thấy tất cả các mục từ trong từ điển này đều có giới thiệu từ nguyên (étymon) của nó. Nhiệm vụ này có vẻ như xa xỉ với đông đảo độc giả, nhưng lại rất cần thiết vì nó tham gia dựng lại lai lịch của mảng từ ngữ được vay mượn trong tiếng Việt hiện đại. Ngoài ra, độc giả sẽ nhận ra rằng đối với các từ ngữ vay mượn quen thuộc, tác giả không liệt kê tất cả các dạng chính tả rất tùy tiện của chúng, mà chỉ chọn lựa một vài cách viết nhằm đảm bảo sự thống nhất tương đối về mặt chính tả. Đó cũng là để góp phần vào việc chuẩn hóa chính tả cho các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài, một bộ phận không thể xem nhẹ của tiếng nước ta.
Mời bạn đón đọc