Giới thiệu sách Truyện Không Đọc Lúc Nửa Đêm – Ngôi Nhà Mồ Oan Khốc
“Chiếc ghe máy hướng về phía cù lao Hàm Rồng, giảm dần tốc độ rồi từ từ quay mũi vào bờ.
Tiếng máy nổ xình xịch làm khuấy động sự yên tĩnh của bến sông quê. Chủ ghe nhanh nhẹn với lấy tấm ván bắt ngang qua cho hành khách bước lên.
Người đàn bà dắt tay đứa con gái trạc chín, mười tuổi thận trọng đặt từng bước chân trên chiếc cầu dừa trơn tuột bắt chênh chếch ở mé sông. Đứa bé níu chặt tay mẹ nhưng gương mặt lại hớn hở nhìn ngó xung quanh, chừng như nơi này đối với nó còn lạ lẫm lắm.
Trái lại, người phụ nữ lộ rõ sự lo âu, căng thẳng, tay dắt con, tay mang hành lý, dáng vẻ vội vàng, hấp tấp.
Mới hơn sáu giờ chiều mà nơi đây trời đã nhá nhem tối. Những tia nắng yếu ớt cuối ngày không đủ sức xuyên qua những tàn lá rậm rạp của những vườn dừa, vườn cây ăn trái trải dài.
Không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa râm ran đâu đó, hoặc tiếng ca vọng cổ thật mùi vẳng lên từ mấy chiếc xuồng câu.
Những ngôi nhà lá lụp xụp nằm rải rác hai bên đường đã leo lét ánh đèn. Dân cư ở đây thưa thớt, quanh năm sống bằng nghề chài lưới, vườn tược, cuộc sống của họ thật đạm bạc, bình yên.
Nằm tách biệt khỏi xóm nhà lá nghèo nèn là ngôi nhà ngói ba gian đồ sộ của bà Chín Hoa được bao bọc bởi một tường rào cao quá đầu người. Trong sân nhà, ngoài các loại cây ăn trái như xoài, mận, vú sữa … còn trồng nhiều loại cây kiểng khác.
Tất cả vẻ bề ngoài ấy đã phản ánh được phần nào sự giàu có, sang cả của gia đình này.
Trước đây bà Chín Hoa cùng chồng sống ở Sài Gòn. Ngoài hai nhà máy dệt do ông Chín làm chủ, bà còn được thừa hưởng của gia đình một số lớn của cải, đất đai.
Dòng họ bà hiếm hoi, hai bên nội ngoại chỉ có anh em bà là cháu. Hai anh chết do bom đạn, chỉ còn lại mình bà nên dù là gái bà vẫn được thừa hưởng toàn bộ gia sản.
Vợ chồng bà sinh được ba người con, hai con trai đầu là ông Thúc, Ông Thịnh và cô Lan, Con gái út.
Ông Chín đột ngột qua đời do tai biến mạch máu, bà hết sức đau buồn, suy sụp. Công việc kinh doanh từ đó không phát triển được.
Bà quyết định bán ngôi biệt thự cùng hai nhà máy dệt chia làm bốn phần, ba phần cho ba đứa con, phần còn lại bà mang về quê sống cùng với người quản gia câm nhưng hết mực trung thành.
Chiều nay, bà Chín Hoa qua đời.
Ngôi nhà ngói ba gian sáng rực ánh đèn néon, tiếng người nói chuyện lao xao, tiếng bình bịch đều đều của máy phát điện làm mất hẳn vẻ thâm u cổ kính thường ngày.
Con cháu bà Chín Hoa đã về gần như đông đủ, chỉ còn thiếu cô con gái út.
Ông Thúc vừa kê lại bộ ván trước sân vừa hỏi Mạnh – Con trai ông:
– Trưa nay đánh điện thế nào mà bây giờ cô Út mày chưa về tới?
– Dạ, con có nói rõ là bà nội yếu lắm, chắc không qua khỏi…
Vừa nói đến đó Mạnh chợt nhận ra người đàn bà dẫn con đang tất tả đi vào, anh reo lên:
– Cô Út về, cô Út về rồi kìa ba!
Lan không kịp chào hỏi ai. Cô vất túi hành lý lên bàn rồi chạy ào vào phòng mẹ. Con bé Liễu mếu máo chạy theo thì bị Mạnh ngăn lại:
– Em đừng vào trong đó, ở đây anh cho xem cái này hay lắm!
Con bé chưa kịp phản ứng thì Mạnh đã bế xốc nó lên lưng cõng ra sân.
Trong phòng riêng, xác bà Chín Hoa được phủ vải trắng toát, trên bụng đặt nải chuối xanh, bốn góc giường là bốn ngọn bạch lạp đang cháy sáng. Dưới sàn, ngọn đèn dầu leo lét cháy, ngọn lửa chốc chốc lại chao qua, chao lại.
Lan phục xuống cạnh xác mẹ nức nở:
– Mẹ ơi, sao mẹ không chờ con về? Con bất hiếu quá, giờ phút cuối đời của mẹ mà con cũng chẳng ở bên..
Cô run run giở tấm vải trắng ra để nhìn mặt mẹ lần cuối. Gương mặt bà Chín tuy không còn sắc hồng hào nhưng trông vẫn phúc hậu, hiền lành. Những người thân đứng bên cạnh lại sụt sùi khóc….”
Mời bạn đón đọc.