Giới thiệu sách Trong Tù Ngoài Tội – Phần 1
Nguyễn Đình Tú
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Trong Tù Ngoài Tội – Phần 1
Cuốn sách "Trong Tù Ngoài Tội" là những ghi chép đẫm máu và nước mắt của nhà văn Nguyễn Đình Tú, tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng: Hồ sơ một tử tù, Nháp, Phiên bản, Kín.
Mục lục:
-
Tử tù dầu tiên
-
… Đến kẻ rối loạn tâm thần
-
Chuyện bi hài của một phạm nhân mắc tội giao cấu với trẻ em
-
Người bí ẩn mang sứ mệnh phát súng nhân đạo
-
Nữ tù nhân kỳ lạ và ngôi đền trong trại giam
-
Giấc mộng kinh hoàng và những phận người bị đòi đi
-
Cậu học trò đặc biệt, câu chuyện đã đi vào văn chương
-
Kẻ đã hát cho người sắp bị mình giết chết
-
Con có lỗi gì đâu
-
Những đứa trẻ nhảy MJ trong tù
-
Chuyện đau xót của một cậu bé trở thành "sát thủ"
-
Tượng thần dù đổ vẫn thiêng hay một nghi vấn về ám thị?
-
Nhát dao oan nghiệt của chàng trai có khuôn mặt giống Bi Rain
-
Bước đường cùng của cậu bé bị kẻ khác bắt nạt tàn nhẫn
…
Mời bạn đón đọc.
> Nguyễn Đình Tú không sợ ‘bị gắn mác rẻ tiền’
Viết báo bằng thủ pháp văn chương
– Thời gian gần đây anh xuất hiện đều đặn trong chuyên mục "Chuyện kể lúc 0 giờ" của một ấn phẩm với những cái title khá sốc. Giới văn chương đồn đại rằng Nguyễn Đình Tú bỏ ngang tiểu thuyết đi viết báo "lá cải", anh bình luận gì về "tin nóng" này?
– Trước hết phải khẳng định rằng, đây là một tin đúng chứ không phải thất thiệt. Tuy nhiên, nhà văn không có nghĩa là chỉ viết văn theo cái nghĩa là viết ra những tác phẩm hư cấu. Nhà văn còn viết nhiều thể loại khác. "Chuyện kể lúc 0 giờ" là chuyên mục của phụ san Tuổi trẻ và đời sống thuộc báo Tuổi trẻ thủ đô. Khi nhận lời viết cho chuyên mục này tôi đã nghĩ đến việc sẽ cho ra đời một cuốn sách không giống như những cuốn mà tôi đã trình làng. Như vậy là tôi "bỏ ngang tiểu thuyết" để đi viết một cuốn sách khác và trước khi nó ra lò thì nó được đăng tải dài kỳ trên báo. Công việc này mang lại cho tôi chút hứng thú vì nó khác với việc viết lách trước đây. Đến bây giờ thì cuốn sách đã ra đời với cái tên "Trong tù ngoài tội – Những ám ảnh ngoài văn chương" và những ai từng quan tâm đến văn chương của tôi có thể tìm đọc nó. Đọc rồi, tôi tin rằng mọi người sẽ nhận thấy đó không phải là những phiên bản báo chí mà là một cuốn sách có dụng ý.
– Cũng có người nói, viết báo như Nguyễn Đình Tú thì chỉ cần giắt lưng chút vốn kiến thức luật và ngồi dựng chuyện là xong, không cần phải có trách nhiệm với những thông tin mình đưa ra. Ý kiến của anh thế nào?
– Để có thể viết được 100 bài báo duy trì trên một chuyên mục thường xuyên trong vòng gần một năm trời cần rất nhiều thứ, trong đó có một thứ quan trọng bậc nhất, đó là phải làm sao để "chủ bút" của tờ báo đó thấy đăng là cần thiết. Khi nào thấy đăng là cần thiết? Ấy là khi bạn đọc muốn đọc những bài báo đó. Và theo bố cục của tờ báo thì những bài viết của tôi không cung cấp những thông tin thời sự nóng hổi mà đi vào phân tích những thân phận người đặc biệt (những người lĩnh án tù hoặc liên quan đến công việc quản lý tù nhân). Tôi đã viết văn bằng những thủ pháp báo chí và bây giờ ngược lại, tôi viết báo bằng những thủ pháp văn chương. Điều thú vị là tôi đã nhận được thư của những bạn sinh viên báo chí, họ nói rằng họ theo dõi thường xuyên những bài báo tôi viết và "sẽ học cách hỏi chuyện nhân vật" như tôi thể hiện vì nó tạo nên sự "hấp dẫn và độc đáo" của bài viết. Tôi thấy buồn cười bởi vì cách hỏi chuyện nhân vật ở ngoài đời khác, còn khi "thể hiện" cách hỏi đó trên tác phẩm báo chí thì đã khác đi rất nhiều. Bạn đọc chỉ thấy cái phần "hấp dẫn và độc đáo" đó thôi mà quên mất rằng đó là kết quả của kỹ năng viết đã được rèn luyện và phần nào những thủ pháp văn chương mà tôi dùng, đã phát huy tác dụng.
– "Trong tù ngoài tội", anh nghĩ sao nếu tập sách này sẽ đóng đinh cái tên Nguyễn Đình Tú vào mảng cướp – giết, tình – tiền, tù – tội ở thể phi hư cấu?
– Tôi không nghĩ thế bởi tôi viết nhiều đề tài khác nhau và có nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau.
– Đã tuyên bố "không sợ bị gắn mác rẻ tiền" sao ngay ở bìa một cuốn sách anh đã phải giải trình rằng đây là "Những ám ảnh ngoài văn chương"?
– Đó không phải là một "giải trình" mà là một gợi ý mang tính nội hàm của cuốn sách. Bạn đọc của tôi từng bị ám ảnh bởi những trang văn mà tôi viết ra. Còn tôi, với tư cách nhà văn, thì bị ám ảnh bởi những điều gì từ cuộc sống? Điều tôi muốn nói là cái mà các bạn đang đọc trên tay – cuốn "Trong tù ngoài tội" này – chính là những ám ảnh ngoài văn chương, đã đi qua trái tim và khối óc của tôi, để hiện diện trong những tác phẩm tôi từng công bố đấy.
– Không thấy anh đưa số điện thoại của mình lên bìa sách như những cuốn trước nữa vì có liên quan đến một "sự cố" đe dọa tấn công. Thực hư thế nào?
Những ám ảnh có tên trại tù
– Nhìn trên sạp báo bây giờ thấy chiếm thế áp đảo là các tờ báo gắn với pháp luật, với đời sống an ninh, với những chuyện giật gân câu khách… Là một nhà văn, anh có nhìn nhận gì về hiện thực đáng buồn này?
– Tôi không cho đây là một "hiện thực đáng buồn". Tôi học luật, từng công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và tôi ủng hộ một xã hội "sống và làm việc theo pháp luật". Báo chí hoạt động theo pháp luật, nếu còn những điều gì đó chưa ổn là do quản lý báo chí chưa ổn. Còn bạn đọc chỉ đọc cái người ta quan tâm. Các sạp báo cũng chỉ bày những tờ báo nào bán được.
Vấn đề chúng ta đang bàn ở đây là đề tài của báo chí? Rõ ràng cuộc sống muôn màu, ai quan tâm đến màu nào thì tìm đến những tờ báo "nổi màu" đó. Tội phạm là một màu tối nhưng nhu cầu được nhìn vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội bất biết nó màu gì là một nhu cầu chính đáng. Đọc và tìm hiểu về tội phạm cũng không có nghĩa là làm theo cái ác, cái xấu mà có thể là để tự cảnh tỉnh bản thân và nhận biết đời thực quanh ta.
Nếu nhân danh xã hội đang bị báo chí tác động lên hàng ngày mà muốn điều chỉnh nội dung của các tờ báo thì tôi nghĩ hãy làm luật cho kỹ rồi cứ theo cái khung đó mà "định hướng". Chứ dùng các mệnh lệnh hành chính hoặc kiểu "khuyến cáo miệng" chỉ cho thấy cách quản lý hiện nay của chúng ta còn nhiều hạn chế mà thôi.
– Dư luận gần đây không khỏi hoang mang bởi những vụ án rùng rợn. Dưới con mắt người học luật, anh bắt mạch cho sự bất ổn ấy như thế nào?
– Xã hội lạc hậu có cái man rợ của kiểu lạc hậu. Xã hội hiện đại có những bất ổn kiểu hiện đại. Tôi tin chắc rằng 90 triệu người dân đều mong muốn những điều tốt đẹp cho xã hội mà họ đang sống, nhưng tại sao lại vẫn có cái xấu, cái ác tồn tại? Mong một cuộc sống không có cái ác là điều không tưởng. Còn vì sao cái ác lại ngày càng xuất hiện nhiều với những cấp độ ngoài sức tưởng tượng thì mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi bộ môn khoa học sẽ có câu trả lời riêng. Bản thân tôi cũng đã hơn một lần tự tìm câu trả lời bằng các cuốn tiểu thuyết của mình. Nhưng dường như mọi câu trả lời chỉ có ý nghĩa nhất định nào đó chứ không thể làm cho xã hội trong sạch hơn, khiến cho cái ác biến mất khỏi thế gian này.
Vậy thì đừng kinh hoàng với cái ác nữa mà hãy đối mặt với nó. Cách đối mặt với cái ác tốt nhất là hãy bảo vệ cái thiện, là tự tìm lấy sức đề kháng cho xã hội bằng pháp luật nghiêm minh và cách ứng xử nhân văn giữa người với người. Nói thì đơn giản thế thôi, chứ đây là sự vận động của cả một xã hội và nó mang những quy luật nội tại của riêng nó. Một cá nhân như tôi, hay anh, lúc này đây có thể nghĩ về nó chứ làm được điều gì cho nó bây giờ là chuyện không dễ dàng.
– Năm ngoái anh được một tù nhân yêu văn chương đồng hương Hải Phòng tín nhiệm trao gửi tác phẩm anh ta viết trong trại giam, số phận của bản thảo ấy bây giờ thế nào rồi?
– Đó là một phạm nhân từng phải nhận mức án tử hình, rồi được hạ xuống chung thân, và do cải tạo tốt nên liên tục được giảm án, chắc chỉ vài ba năm nữa là anh ta sẽ được ra trại. Anh ta viết thư cho tôi sau khi đọc cuốn tiểu thuyết "Phiên bản". Trong bức thư đó anh nhờ tôi hai việc, một là đọc hộ bản thảo một cuốn tiểu thuyết đã viết xong, hai là tìm hộ tư liệu cho một cuốn tiểu thuyết khác đang viết dở. Tôi đã làm xong cả hai việc đó, từ bấy đến nay, qua những trao đi đổi lại, tôi và anh ấy trở thành bạn bè. Về bản thảo của anh ấy thì có nói gì lúc này cũng đều là quá sớm, hãy để đến khi anh ấy ra trại sẽ bàn đến việc có nên xuất bản không và xuất bản như thế nào. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn là người được anh bạn tù nhân ấy tin tưởng, giao cất giữ hộ tất cả những gì mà anh ấy viết ra.
– Tử tù là những người phải đối diện với cái chết rất gần, tiếp xúc với họ anh thấy có điều gì đặc biệt?
– Có rất nhiều điều đặc biệt không dễ gọi tên ra được. Khi không gọi tên ra được các trạng thái cảm xúc của mình thì có nghĩa là anh đang bị sa vào thứ gọi là "ám ảnh". Tôi thường xuyên gặp những ám ảnh kiểu đó sau khi tiếp xúc với các phạm nhân trong trại, dù họ là tù có thời hạn, không thời hạn hay tử tù. Có những ám ảnh tôi giãi bày qua các kiểu nhân vật trong những tác phẩm hư cấu, có những ám ảnh tôi chỉ có thể chia sẻ bằng những bài báo đậm chất văn hơn là đưa tin thuần túy. Bạn đọc có thể thấy những điều đặc biệt của các tử tù khi đọc những câu chuyện mà tôi thường "kể vào lúc 0 giờ" trên các sạp báo và trong cuốn "Trong tù ngoài tội" mới phát hành này.
Văn xuôi đang im ắng đến khó hiểu
– Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của anh tiến độ có vẻ chậm, có phải sức ảnh hưởng và lan tỏa của tiểu thuyết "Kín" đã giảm nhiệt hơn so với "Nháp" và "Phiên bản" nên anh nản?
– Bạn đọc chung thủy vẫn liên tục viết thư hỏi thăm xem cuốn tiểu thuyết mới của tôi khi nào thì hoàn thành? Tôi đã viết gần xong rồi nhưng tự nhiên lại không muốn kết thúc. Có một số lý do cho hành động tưởng như vô lý này. Một trong những lý do đó là sau khi cuốn tiểu thuyết Kín ra đời, tôi được nhiều bạn sinh viên viết khóa luận và luận văn về những tác phẩm của mình. Khi đọc những luận văn đó, tôi nhận ra một điều, 5 cuốn tiểu thuyết trước đây của tôi thuộc về một chặng đường sáng tác, những cuốn sắp viết tới đây nên thuộc về một chặng sáng tác khác. Tiểu thuyết tôi đang viết đã thực sự đánh dấu một chặng đường sáng tác mới hay chưa? Chưa trả lời được câu hỏi này thì tôi chưa nên hoàn thành nó để đưa ra trước bạn đọc.
– Anh vẫn giữ nguyên ý định đặt cái tên khá sốc "Vào sâu và rùng mình" hay đã chuyển "công thức" khác?
– Tất nhiên, vẫn tên ấy và cốt truyện ấy, thậm chí hệ thống nhân vật và văn phong cũng đã định hình, vấn đề chỉ là tôi có viết ra được một cuốn sách như tôi muốn hay không mà thôi.
– Bên cạnh đó anh cũng còn một dự án sách thiếu nhi đang bỏ ngang, có vẻ như một hình ảnh Nguyễn Đình Tú "nói là làm" đang lu mờ dần?
– Như đã nói, tôi đang có những lý do để viết chậm lại và thận trọng hơn khi công bố tác phẩm.
– Đời sống văn chương trong nước từ đầu năm khá sôi động các sự kiện nhưng lại trầm lắng ở mảng sáng tác khi không có một tiểu thuyết mới nào ra đời gây chú ý. Góc nhìn của anh về hiện trạng này thế nào?
– Tôi thấy văn xuôi năm nay yên ắng đến bí hiểm, những cây bút sung sức nhất thuộc lứa U40 cũng không có tác phẩm nào để công bố. Quả thật, tôi không lý giải được vì sao lại có tình trạng này. Chúng ta thử chờ đợi đến cuối năm xem sao, biết đâu khi ấy mới là lúc văn xuôi "vào mùa".
Thành Sa thực hiện
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn