Thời gian gần đây, thị trường sách trong nước xuất hiện nhiều cuốn tự truyện gây ấn tượng. Có lẽ khởi đầu là cuốn tự truyện về cô gái suýt bị thiêu sống ở Palestine, rồi tự truyện của thiếu nữ Iraq trong thời điểm chiến tranh ác liệt… và gần đây nhất, cuốn tự truyện "Trốn chạy" do người mẹ của 8 đứa con kể về giáo phái đa thê tại Mỹ, đã nhận được sự chú ý đặc biệt của bạn đọc.
Bi kịch giữa thế giới văn minh
Đầu năm 2008, nước Mỹ cùng cả thế giới kinh ngạc khi nhà chức trách phát hiện và truy tố Warren Jeffs, kẻ đứng đầu giáo phái đa thê có tên gọi Fundamentalist Church of the Latter-Day Saints (FLDS), về tội đa thê, đồng lõa hiếp dâm, loạn luân và giao cấu với trẻ vị thành niên.
Điều gây chấn động dư luận nhất là sau vụ bắt giữ này, người ta phát hiện hàng loạt cô gái còn rất trẻ nhưng đã có nhiều con, thậm chí có cô gái có con từ khi mới 15 tuổi. Các cô gái của giáo phái này không những cưới chồng, sinh con từ khi còn chưa trưởng thành, mà còn phải chịu cảnh chung chồng, vì trong giáo phái FLDS cứ một người đàn ông có ít nhất ba vợ.
Tuy nhiên, do lo ngại nếu tiến hành cưỡng chế, bắt giữ các lãnh đạo, thành viên của FLDS quá mạnh tay và rầm rộ sẽ dễ lặp lại thảm kịch Waco (cuộc bao vây giáo phái Branch Davidian ở Waco, Texas khiến 80 người chết) nên việc giải tán, công bố những hậu quả của giáo phái này ít được nhắc đến.
Mãi đến khi cuốn tự truyện Trốn chạy (Escape) của Carolyn Jessop (do phóng viên Laura Palmer chấp bút) được xuất bản, cả thế giới mới hiểu rõ về một trong những bi kịch không thể tin được đã tồn tại giữa lòng xã hội hiện đại.
Carolyn Jessop là một trong những thiếu nữ sinh ra trong một gia đình đã có 6 thế hệ thành viên là tín đồ của giáo phái đa thê. Năm 18 tuổi, C.Jessop bị bắt buộc lấy một người đàn ông 50 tuổi mà cô không quen biết, cùng với cô, người đàn ông này còn có 6 bà vợ khác. 15 năm sau, C.Jessop đã có đến 8 đứa con, không tiền, phải tuân theo mọi mệnh lệnh của chồng mà không được kháng cự, phải đấu tranh với 5 người phụ nữ khác nhằm nhận được ân sủng của chồng.
Rạng sáng một ngày tháng 4-2003, không thể chấp nhận nổi cuộc sống đắng cay của chế độ đa thê, đồng thời phát hiện thấy chồng cùng các thành viên bắt đầu truyền giảng về cái chết và sự hủy diệt, C.Jessop đã dẫn theo 8 đứa con của mình bỏ trốn đến thành phố Salt Lake, khi trong túi cô chỉ còn đúng 20 USD. Chồng cô cùng những thành viên khác của FLDS đã truy đuổi cô như một con thú ở khắp nơi.
Và những cánh tay thân ái đã chìa ra, đưa người mẹ cùng 8 đứa con thoát khỏi cơn ác mộng mà C.Jessop đã trải qua suốt 35 năm. Sau khi giáo phái FLDS bị cưỡng chế vào đầu năm 2008, chứng kiến những cô gái từng là bạn, là em trong FLDS trở về với cuộc sống, C.Jessop đã quyết định viết lại về cuộc đời mình. Cuốn tự truyện Trốn chạy đã ra đời sau đó, đầu tháng 12-2009, tác phẩm này đã được NXB Văn hóa Sài Gòn và Công ty Youbooks xuất bản tại Việt Nam.
Địa ngục trần gian
C.Jessop xuất thân từ một gia đình có truyền thống đa thê, bản thân từ nhỏ cũng thấm nhuần những tư tưởng này nên việc lấy chồng chung đối với cô có vẻ đã được an bài. Tất cả chỉ bắt đầu thay đổi khi C.Jessop chứng kiến cảnh giáo chủ mới của FLDS, Warren Jeffs, tuyên bố cấm thành viên của FLDS đi học trường công, đốt bỏ tất cả sách vở, trong đó có cả thư viện nhỏ khoảng 300 cuốn sách mà C.Jessop đã cất công tích góp.
Sự nghi ngờ về những tư tưởng của giáo phái bắt đầu nhen nhóm trong C.Jessop, nghi ngờ càng trở nên nặng nề khi C.Jessop có con nhưng cô không được quyền ôm con của mình, không được phép quyết định đến những vấn đề của con, thậm chí cô còn phải chứng kiến đứa con gái 12 tuổi của mình chuẩn bị trở thành vợ của một người đàn ông lớn tuổi khác. Giọt nước cuối cùng làm tràn ly chính là việc những người lãnh đạo FLDS cấm không cho đứa con nhỏ đang bị ung thư xương của cô đến bệnh viện để chữa trị.
Chính vì thế, cuốn tự truyện của C.Jessop không chứa đựng sự căm hận, những lời nguyền rủa, hay lời giải thích nào. Trốn chạy miêu tả một cuộc sống mà với những người trong xã hội hiện đại xem giống như địa ngục. Đó là sự tranh đua của những người phụ nữ nhằm nhận được ân huệ của chồng, những nỗi ám ảnh về tự sát tập thể, những nỗi đau của thân phận con người bị kinh rẻ, bằng một giọng văn nhẹ nhàng, lành lạnh, đôi khi là u ám.
Thế nhưng, cũng chính sự nhẹ nhàng lạnh lẽo đó lại khiến người đọc cảm thấy rùng mình. Đó chính là sự lãnh đạm, chấp nhận mà những người phụ nữ trong FLDS từng trải qua. Cuộc sống của họ trong những trang viết của C.Jessop khiến chúng ta cảm tưởng đó là cuộc sống nghiệt ngã của những người phụ nữ cắn răng làm nô lệ.
Phải đến phần cuối của cuốn sách, sau chương "Sau cuộc trốn chạy", giọng văn trong sách mới trở nên sáng sủa, nhen nhóm niềm hy vọng. Rồi đến những chương miêu tả cuộc sống sau khi thoát khỏi FLDS, cuộc tranh cãi pháp lý giành quyền nuôi con…, tất cả đem tới cho người đọc cảm giác nhân vật chính trong tự truyện mới bắt đầu sống thật sự.
Mỗi cuốn tự truyện mang đến cho chúng ta hiểu thêm một phần thế giới mà chúng ta đang sống. Thế giới đó có nỗ lực sinh tồn, có sự hủy diệt của chiến tranh, và với Trốn chạy, người đọc có thể thấy cả sự suy đồi, bế tắc, cũng như yếm thế của một số kẻ lợi dụng tín ngưỡng cùng khát vọng tự do của những cá nhân.
Tường Vân
(Nguồn: Báo SGGP)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn