Giới thiệu sách Trái Tim Sư Tử
Với một đứa trẻ sống tại khu nhà lụp xụp giữa lòng Sài Gòn, thì “giấc mơ Hoa Kỳ” là một cái gì đó nghe rất kinh khủng. Nhưng, sau tám năm để đôi chân rong ruổi qua rất nhiều miền đất, trải dài từ châu Á huyền bí, châu Âu cổ kính cho đến châu Mỹ rực rỡ, tôi chợt giật mình nhìn lại bản thân.
Chà! Đứa nhỏ ngày xưa đã thay đổi thành một người khác hẳn với nó – của ngày hôm qua. Ban đầu tôi bối rối, nhưng rồi lại nhận thức được là con người thì ai mà chẳng thay đổi.
“Trưởng thành” cũng là một loại thay đổi đó thôi.
Thứ hay ho nhất sau những tháng ngày đi không ngừng nghỉ, là việc tôi cảm nhận được “hóa ra thế giới cũng không quá rộng lớn như mình từng tưởng tượng”. Và nếu dám mơ ước, dám sống đủ nhiệt huyết để lập kế hoạch cho ước mơ thì phần thưởng bạn nhận được sẽ là một “giấc mơ có thật”.
Mười chương của cuốn sách nho nhỏ bạn đang cầm trên tay, là bức tranh về cuộc đời tôi. Nó có rất nhiều gam màu. Từ những ngày còn đỏ hỏn trên tay mẹ, cho đến mùa hè đầu tiên ở Bắc Mỹ năm 2014, lúc tôi đang thực hiện luận văn Thạc sĩ trong chương trình học bổng Fulbright tại Đại học Penn State, Hoa Kỳ.
Hai chương đầu tiên, sẽ là phần khái quát những năm tháng tuổi thơ không-êm-đềm-lắm của tôi, trong bối cảnh Sài Gòn ở giai đoạn tái thiết sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó là khoảng năm 1980 đến 2000, nền kinh tế có những bước tiến dài, kéo theo sự thay đổi về quan niệm xã hội cũng như đưa người dân hòa mình vào dòng chảy toàn cầu hóa. Trong sự chuyển mình đó, dĩ nhiên không thể tránh khỏi một vài xung đột tư tưởng về việc gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống và đón nhận những thứ mới mẻ hơn.
Bên trong tôi cũng có một sự xung đột.
Dĩ nhiên, so với thay đổi của xã hội thì nó chẳng là gì cả, nhưng với một đứa bé mới lớn trong giai đoạn đó thì nó lại khiến tôi phải trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Nó là đấu tranh giữa hai bản ngã giới tính, nam và nữ. Chuyện này sẽ được kể chi tiết ở phần sau.
Những chương được đánh số từ ba đến sáu, là một kiểu như nhật ký hành trình qua kha khá đất nước của tôi. Kể ra thì có, Thụy Điển, Anh và điểm dừng chân cuối cùng là Mỹ. Tôi nhớ ngày nhỏ, có nghe câu nói: “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Nhưng thực tế, càng đi nhiều tôi lại càng thấy mình… còn ít khôn quá chừng!
Ngoài cánh cửa nhà, là một thế giới mà bạn chẳng thể tưởng tượng được nó ra sao, biến hóa như thế nào.
Những miền đất xa lạ, những người lần đầu gặp trong đời, những nền văn hóa phong phú giúp tôi thay đổi và điều hướng suy nghĩ của mình. Đồng thời, lằn ranh giữa “nam” và “nữ” theo cái kiểu “chuyện này của đàn ông con trai” hay “con gái con đứa thì phải…” hoàn toàn bị xóa nhòa khỏi tâm trí tôi. Chuyện này, cũng như chuyện trước, sẽ được kể chi tiết ở phần sau.
Những chương còn lại, là ghi chép cho chuyến hành hương về Việt Nam, nơi tôi sinh ra và lý do để tôi đưa ra quyết định sẽ chọn Mỹ là đích đến tiếp theo cho hành trình cuộc đời.
“No pain no gain”, hiểu đơn giản như “Thất bại là mẹ thành công”.
Thất bại hay vấp ngã không ghê gớm, không đáng sợ. Chỉ đáng sợ là khi chúng ta không học được bất cứ thứ gì từ thất bại đó và không biết cách đứng dậy sau khi vấp ngã.
Tôi cũng đã không ít lần hoài nghi con đường đang đi là đúng hay sai, liệu mình có đủ sức để đi tiếp hay không, thậm chí có lúc mịt mù tự hỏi, “Cuối chặng đường này là thứ gì đang đợi?” Cũng đã có lúc cảm thấy cuộc sống ở đất nước không phải là quê hương sao khắc nghiệt đến kinh khủng, thèm một vòng tay, thèm cảm giác được thả mình xuống cái giường quen thuộc tại nhà, à không, chính xác là tại “gia đình”. Nhưng rồi khi những cảm giác yếu lòng đó thoảng đi, tôi hiểu nếu những cảm giác đó là cái giá xứng đáng phải trả để tiếp cận nền giáo dục toàn cầu, được nhìn ngắm thế giới, được trở thành người tổ chức Viet Pride đầu tiên tại Việt Nam, trở thành một “đại sứ” Fulbright ở Mỹ, được gặp những con người tuyệt vời ở khắp nơi, nhiều trong số họ đã trở thành gia đình thứ hai, thứ ba của tôi, đã yêu thương tôi với đầy đủ những cung bậc chân thực nhất lẫn bao nhiêu hành trình dài rộng buồn vui, thành công và cả mất mát mà tôi đã trải. Và còn hằng hà sa số những điều thú vị khác đang chờ tôi ở con đường phía trước nữa.
Tôi chỉ mới sống một phần đời chưa đủ dài để cho lời khuyên hay để đo hết nông sâu cuộc đời, thế nên cuốn sách này chỉ đơn thuần như một chia sẻ của tôi đến các bạn, những người trẻ muốn được nhìn ngắm thế giới theo “cách của riêng mình”.
Món quà quý giá nhất của tuổi trẻ, đó là dám ước mơ, và dám thất bại để thành công.
Mời bạn đón đọc.