Trước đây, nhà văn Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời có viết về nghệ thuật uống trà qua Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm; hoặc trong Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh nhận định: "Ở nước ta uống chè tàu sành là một biểu hiện phong lưu!". Trong khi đó, tác giả Okakura Kakuzo lại cho biết: "Bất cứ người phương Tây trung lưu nào sống êm đềm tự mãn, tự túc cũng chỉ coi tiệc trà là một trường hợp của ngàn lẻ một những việc kỳ dị đã tạo thành cái tính kỳ cục và ngây thơ của phương Đông". Về sau quan niệm này dần dần thay đổi, qua nghệ thuật uống trà họ nhìn ra sự thống nhất giữa nghệ thuật và đời sống.
Bằng lối văn nhẹ nhàng như thơ, người đọc được phiêu bồng trong không gian thơm dịu của vị trà. Khác với nhiều người, khi uống trà thì Lô Đồng – một thi sĩ đời Đường đã cảm nhận bằng những câu thơ thật hay: "Chén thứ nhất thấm ướt môi họng; Chén thứ hai phá tan niềm cô quạnh; Chén thứ ba tưới thắm lòng dạ khô cằn và nảy lên muôn ngàn ý văn; Chén thứ tư thấm nhấp mồ hôi, mọi xấu xa cuộc đời theo lỗ chân lông trôi ra; Chén thứ năm thấu lòng thanh tịnh; Chén thứ sáu đưa ta vào cõi thần tiên; Chén thứ bảy, A, ta không nhấp được nữa! Ta thấy một làn gió mát thổi vào tay áo. Bồng Lai nơi nào? Cho ta cỡi làn gió mát bay đến đó đi "…
Đọc Trà đạo, có lúc ta sẽ tự hỏi: Tại sao ở Nhật, uống trà được nhận lên thành "Đạo"? Tác giả Okakura Kakuzo lý giải: "Cái thế cô lập từ ngàn xưa của nước Nhật đối với toàn thể thế giới, cái thế thúc đẩy người ta đến chỗ "nội tỉnh" tự xét mình, đã giúp cho trà đạo phát triển mạnh vô cùng. Nhà cửa, tập quán của chúng tôi, cách phục sức, cách nấu ăn, đồ sơn, đồ sứ, đồ vẽ – ngay chính nền văn học của chúng tôi – tất cả đã chịu ảnh hưởng của Trà đạo. Người đã nghiên cứu về văn hóa Nhật Bản, không ai là không biết đến Trà đạo. Nó đã thấm nhuần vào vẻ thanh nhã của những khuê phòng cao quý, cũng như nó đã thâm nhập vào những nơi nhà tranh vách đất nghèo nàn. Nó đã dạy cho nông dân nước chúng tôi biết cách trưng bày hoa, nó đã dạy cho công nhân thấp kém nhất nước Nhật biết coi trọng những hòn đá, khe nước. Trong lời nói thông thường ta vẫn gọi những người hờ hững đối với những tấn kịch nửa trang trang nghiêm, nửa hài hước của chính mình, là những kẻ "thiếu hơi trà". Và ta lại chê trách những nhà thẩm mỹ thô lỗ, bất chấp những thảm kịch của thế gian, để mặc cho mình chuồi theo nguồn cảm xúc không kiềm chế, không chừng mực, là những kẻ "quá dư hơi trà"
Qua tập Trà đạo, ta thêm hiểu rằng những tập quán phong tục, những lề lối sinh hoạt hàng ngày – từ cách ăn cách ở, cách trang điểm phục sức, cách nấu bếp, làm việc v.v… đều có tương quan mật thiết đến văn hóa và Okakura Kakuzo nhấn mạnh rằng: "Nhân loại gặp nhau trong một chén trà".
Ngẫm lại, điều này cũng có lý đấy chứ!
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 2/6/2013)
H.B
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn