Lâu nay, về ý nghĩa các từ "thì, là, mà" ai mà không rõ chức năng của nó. Nay tác giả đưa ra một hội thoại chỉ với một từ "mà" như sau:
Sinh viên A: Có mỗi từ MÀ mà cũng làm một đề tài luận văn!
Sinh viên B: Mà nào có khó!
Sinh Viên A: Hơn nữa, hay gì mà hay!
Sinh viên C: Ấy thế mà…
Câu hỏi đặt ra: "Phân tích cách dùng từ MÀ trong đoạn hội thoại trên. Tìm đặc điểm khái quát của từ MÀ". Trả lời rốt ráo ắt không dễ chút nào.
Lại nữa, một bà người nước ngoài đi chợ Đồng Xuân, mấy bàn bán bún ốc riêu chỉ chỏ: "Khiếp, xấu quá! Béo ơi là béo!". Ai dè, bà này quay lại đốp ngay: "Vâng, các bà thì đẹp!". Có anh chàng ngốc nọ đi mua 6 con lừa. Ngồi trên lưng cỡi một con, về đến nhà, đếm đi đếm lại anh vẫn thiếu một con. Chị vợ mỉa: "Thôi, xuống đi, thừa một con thì có!".
Thử hỏi, tiếng Việt chính xác hay mơ hồ? Đơn giản hay rắc rối?
Tác giả lại đưa ra mẩu đối thoại: Có anh chàng nha sĩ nọ sang đất nước có cả nửa tỉ người hành nghề, bạn bè nghĩ ắt giàu sụ. Anh này đáp: "Có ai dám hé răng ra mà chữa!". Vậy mẩu chuyện này nói về chữa răng hay tự do ngôn luận?
Lại chuyện mẹ chồng dặn con dâu góa chồng: "Số mẹ con mình rủi ro thôi đành cắn răng mà chịu con ạ!". Dặn vậy những ít lâu sau bà mẹ chồng tằng tịu nọ kia, cô dâu nhắc lại lời khuyên của bà, bà đáp: "Ấy là mẹ dặn con chứ mẹ thì còn răng đâu mà cắn!". Rõ ràng, có hai cách hiểu khác nhau. Lại có chuyện đồng âm khiến ta có những cách hiểu không giống nhau: "Đi xe cố vấn, mặc áo chuyên gia, ăn uống qua loa là anh cán bộ".
Ta hiểu như thế nào? "Nghĩa thứ nhất: cuộc đời cán bộ thật là sang, vào cỡ cố vấn, chuyên gia mà lại đạo đức và thanh đạm; ăn uống qua loa. Nghĩa thứ hai: cuộc đời cán bộ thật cực khổ". Xe đạp mà phải cố vấn, mà buộc cho khỏi bể vỏ, nổ lốp. Ăn mặc rách rưới hở cả da thịt (chuyên "da" mà!)".
Cái giỏi "chơi chữ" ở đây chắc chắn thuộc về lời ăn tiếng nói của nhân dân nhưng tác giả đã biết "chộp" đúng lúc để minh họa cho sự ngoắc ngoéo của tiếng Việt. Đọc tập Nỗi oan thì, là, mà ta được tiếp cận với nhiều kiểu nói đa nghĩa, lắt léo cực kỳ thú vị của người Việt.
"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời" (P.D). Yêu đã đành, nhưng để thấu hiểu là điều không đơn giản. Trên mặt báo hiện nay, ta thấy vô thiên lủng các từ bị dùng sai, chẳng hạn: "Hỗ trợ người nghèo". Tác giả phân tích: "Đây là một từ gốc Hán. "Trợ" là "giúp", còn "hỗ" là "lẫn nhau".Vậy thì đây là một sự giúp đỡ hai chiều, giúp đỡ qua lại. Nghĩa là cần nói "giúp đỡ người nghèo" chứ sao lại "hỗ trợ người nghèo"? Những ví dụ tương tự còn nhiều khiến ta giật mình và qua đó, có thể "rút kinh nghiệm" tự điều chỉnh…
Thử đặt câu hỏi đâu là từ "đặc Việt"? Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân, đó là từ "nước" bởi những lý do mà ông lập luận: Người Việt dùng từ nước để chỉ lãnh thổ dân tộc: Nước Việt Nam; "làng nước" để chỉ người cùng làng. "Thú vị là từ làng cũng gắn với "những dải nước lớn" vì người Việt cổ "quần cư quanh những dải nước lớn (cũng như đồng bào miền núi thường quần cư bên bờ suối, bờ sông) mà ngày xưa gọi là LANG và sau này khi tiếng Việt đã có thanh điệu, cơ sở quần cư ấy gọi là LÀNG)…
Những thông tin có tính chất gợi mở thế này còn nhiều trong Nỗi oan thì, là, mà. Thiết nghĩ, những tập sách như thế này thời nào cũng cần và nhiều người cần, nếu muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 16/7/2013)
N.V
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn