Giới thiệu sách Tiếng trái tim và tiếng lương tâm
Con người sinh ra và trưởng thành luôn có nhiều mối quan hệ: anh em, bạn bè và giao tiếp với cộng đồng. Song không phải lúc nào và bao giờ con người cũng đối xử với nhau đúng, tốt, có tình có lý. Trong tủ sách học làm người có cuốn Tiếng trái tim và tiếng lương tâm với chủ đích đề cao lối sống hợp tình, hợp lý.
Trái tim (người ta còn gọi là TÂM) được coi là nguồn suối tình cảm (vui, giận, ghét, buồn, sợ, ham muốn, yêu – thất tình). Khi bàn về chữ TÂM, Mạnh Tử (tên Kha người nước Tề) cho rằng: TÂM là cơ quan để suy nghĩ, hễ suy nghĩ thì hiểu được lẽ phải,…đó là cái trời ban cho ta . Ý nghĩa của chữ TÂM – Tiếng Trái tim thực thăm thẳm. Hiểu sơ lược về nó để xét về sự đào luyện, tức là đào luyện Trái tim hay huấn luyện tình cảm. Như Moliere nói:Chính trái tim làm tất cả.
Bạn đi bất cứ nơi nào ở đó bạn cũng gặp lương tâm của bạn. Ở đâu và bao giờ, thời nào vấn đề lương tâm cũng được đặt ra. Trong mỗi cá nhân ý thức tâm lý và lương tâm luân lý hoạt động song hành, thống nhất với nhau. Nhờ ý thức mình ta mới lắng nghe được tiếng lương tâm. Âm thanh thâm trầm đó giúp ta cầm lái cuộc đời mình. Có nó ta mới chịu đựng nổi những nhận xét bất công của người đời, mới có đủ can đảm nhất là khi phải đấu tranh cho lợi ích của cộng đồng hay chân lý. Nó cũng là tiêu chuẩn, là cây thước để ta đo giá trị việc làm của người khác.Thiếu nó ta sẽ lầm lạc mà đề cao cái xấu, cái cũ; chỉ trích cái tốt, cái mới. Còn theo lời Albert Duruy thì Khi lương tâm nói, chỉ có việc biết nghe và theo nó.