Giới thiệu sách Tiếng Người – Tái bản 04/08/2008
“Những tiếng nói của một con người có thể một đờ không bày tỏ hết” – Phan Việt
“Nếu điều đó đã xảy ra, thì anh với M đã, đang và sẽ là như thế nào? Rốt cuộc thì tất cả cuộc sống này là gì? Cái cam kết bằng hôn thú? Cái cam kết chung thủy? Cái cam kết yêu thương nhau? Và sự phản bội là phản bội lại cái gì?
Phản bội lại cái gì? Khi mà lúc trước, lúc này, và sau này, anh đều không có cảm giác phản bội?”
Tiếng Người nói về khoảng thời gian 5 tháng trong cuộc đời một đôi vợ chồng trẻ đã sống nhiều năm ở Mỹ rồi về lại Hà Nội. Trong 5 tháng đó, họ vẫn rất yêu nhau trong khi vẫn nghĩ đến những người khác theo cái lối mà người đời có thể gọi bằng chữ “ngoại tình”. “Ngoại tình” mà không hề ngoại tình bởi vì họ không hề dằn vặt.
Vậy thì đây là một câu chuyện hôn nhân và ngoại tình? Không hẳn vậy. Tác giả đã chọn hôn nhân như một cái dây chằng chính trong cuộc sống con người bởi vì nó là sự hợp nhất cao nhất về mặt hình thức mà hai cá thể người đơn lẻ trong đời sống có thể được với nhau bằng lựa chọn có ý thức (tình cha mẹ, anh em là thứ người ta không lựa chọn bằng ý thức được). Và tác giả đã thử đẩy các biện độ của nó; đẩy các khái niệm có tính hữu cơ mà xã hội vẫn gắn cho hôn nhan, như lòng chung thuỷ, sự phản bội, cái hợp nhất có ý chí này có thể làm những gì với con người và ngược lại con người có những lựa chọn gì với nó; ý tác giả đang muốn nói đến chữ “lựa chọn” như là lựa chọn chủ động và có tính nhân bản sau khi đã ở bên trong cái khung “hôn nhân”. Có thể nào xoá mờ nó đi không, xóa được đến đâu, cái gì bị mất một cách thực sự và cái gì bị mất đi một cách ước lệ trong sự xóa mờ đó. Cao hơn, tác giả muốn biết từ sự xóa mờ đó, đâu là những câu hỏi thực sự mà người ta cần phải đối diện và trả lời trong cuộc sống; đâu là những câu hỏi chỉ có tính tu từ. Tác giả tin là việc phân biệt rõ hai trạng thái phân vân này là mấu chốt mang lại hạnh phúc cho con người.
Mời bạn đón đọc.