Nhằm góp thêm một tiếng nói trong việc xã hội hoá văn chương, bên cạnh những giải thưởng của Nhà nước, các hội văn học nghệ thuật, nhà xuất bản, Giải thưởng văn Bách Việt đã được khởi động và đang đi những bước đầu tiên đầy khả quan.
Không chỉ thu hẹp trong phạm vi các giải thưởng nhà nước, đoàn thể, hội, xã hội hóa văn chương sẽ đưa ra những khuynh hướng, tìm tòi, thể nghiệm của người viết, cũng mở rộng các khuynh hướng tiếp nhận và đánh giá của người đọc. Trong xu hướng đó, Giải thưởng văn Bách Việt ra đời với mong muốn đưa ra những góc nhìn mới, những tiếng nói mới, những diện mạo mới, để từ đó, có cái nhìn toàn diện hơn về văn học Việt Nam thời điểm hiện tại.
Bắt đầu khởi động từ 1.1.2009, đến nay đã nhận được 76 tác phẩm tham dự. Sau 11 tháng phát động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cây bút từ khắp miền gửi về, trong đó, có những tên tuổi được độc giả biết đến từ lâu như: Đặng Thân (Những mảnh hồn trần), Phạm Duy Tương (Cam Lai), Nguyễn Hiếu (Dương gian trong sọt), Irasara (Hàng Mã ký ức), Nguyễn Danh Lam (Giữa dòng chảy lạc), Đỗ Phấn (Vắng mặt), Cao Hưng Quốc (Lưng chừng hai chiếc lá)…
Số lượng các tác giả trẻ tham dự giải cũng khá lớn, điều đó nói lên một điều: Văn chương vẫn được quan tâm và là một yếu tố tinh thần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.
Hội đồng thẩm định của Giải thưởng văn Bách Việt gồm: Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Trưởng ban thẩm định (Hà Nội); nhà văn Lê Minh Khuê (Hà Nội); nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái (Hà Nội); nhà văn Nguyễn Việt Hà (Hà Nội); nhà văn Trần Nhã Thụy (TPHCM) sẽ lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để vào chung khảo, bỏ phiếu lựa chọn ra tác phẩm có giá trị về mặt nội dung để trao giải tính đến giờ phút cuối cùng.
Sau khi tác phẩm đầu tiên được chọn vào vòng chung khảo (tiểu thuyết "Thể xác lưu lạc" của Tiến Đạt – câu chuyện của những con người với những nỗi cô đơn không thể giãi bày), mới đây Hội đồng thẩm định Giải thưởng văn Bách Việt đã lựa chọn được tác phẩm thứ hai vào vòng chung khảo. Đó là tiểu thuyết "Tiền định" (ảnh) của tác giả Đoàn Lê. Trên những chất liệu thực, tác giả đã thổi vào đó trí tưởng tượng để "Tiền định" trở thành một câu chuyện như thực, lại như một giấc mơ về cuộc đời đa truân của người đàn bà.
Ông Lê Thanh Huy – Giám đốc Cty sách Bách Việt – cho biết: "Xã hội hóa văn chương là nhu cầu và là một yếu tố thiết yếu của những người cầm bút và những người tham gia hoạt động xuất bản. Nếu muốn chuyên nghiệp, chính chúng ta phải là người định hướng cho nền văn học của chúng ta, có lẽ cần thiết chuyên nghiệp từ chính ý thức của những người làm nghề. Sẽ là một mong ước chính đáng nếu một ngày nào đó chúng ta – những người yêu mến và quan tâm tới sự phát triển của văn học Việt Nam – được tự hào với một nền văn học của chúng ta thực sự chuyên nghiệp như mong muốn".
Đức Hạnh
(Nguồn: Báo Lao động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn