Giới thiệu sách Thư Gửi Bố
Giữa cha mẹ và con cái luôn có một khoảng cách nhất định, dù rằng tình yêu luôn là vô bờ bến. Có những điều tưởng như đơn giản nhưng nó tác động vô cùng sâu sắc đến tâm hồn của một con người, sự hình thành nên một nhân cách cũng bắt đầu từ đó.
Như mọi người con, Franz Kafka cũng rất sợ cha mình. Mở đầu bức thư gửi cha, ông đã viết: “Bố yêu quý, Gần đây bố có hỏi con, tại sao con cả quyết rằng con sợ bố. Như thường lệ, con không biết phải trả lời bố như thế nào, phần cũng chính vì nỗi sợ đó, phần để lí giải nó sẽ cần phải đi vào quá nhiều chi tiết mà con không thể bao quát hết được dù chỉ một phần khi nói. Và ngay cả bây giờ, khi con đang cố gắng trả lời bố qua thư, thì chắc chắn sẽ vẫn còn thiếu sót nhiều lắm, bởi ngay cả khi viết, nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con, và cũng còn vì qui mô của vấn đề vượt quá kí ức và trí lực của con.”
Thư Gửi Bố không chỉ đơn giản bắt nguồn từ sự phản đối quyết liệt của cha Franz Kafka với cuộc hôn nhân của ông với Julie Wohryzek, một cô gái bị cha ông chê là không đủ nền nã, không xứng với gia đình. Tuy nhiên khi viết, Kafka nhắm tối mục đích lớn lao hơn, đó là: nhìn lại toàn bộ mối quan hệ đau khổ giữa cha và con từ trước tới nay với hy vọng tìm được sự hoà giải với cha. Rốt cuộc lá thư dài 103 trang viết tay không bao giờ được gởi tới địa chỉ người nhận.
Người đọc sẽ bị cuốn hút từ đầu đến cuối theo từng lời tâm sự của đứa con gửi cha mình, những mâu thuẫn giữa hai thế hệ cha và con, nỗi đau âm ỉ cũng như những cảm nhận hạnh phúc ngọt ngào. Đọc Thư Gửi Bố, chúng ta không chỉ bắt gặp đâu đó hình ảnh của mình: những cảm xúc khi còn là một đứa trẻ đứng trước người cha và khi đã trở thành cha đứng trước con cái, mà còn thấu hiểu hơn những góc khuất trong tâm hồn. Franz Kafka cuốn hút người đọc bằng sự sâu sắc, tinh tế mà cũng rất thực tế.
Ngoài ra cuốn sách còn giới thiệu tiểu sử và gia đình tác giả để bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời của một nhà văn người Do Thái nói tiếng Đức. Người được giới phê bình xem như một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỉ 20.
Mời bạn đón đọc.