Giới thiệu sách Thiên Văn Cổ Ứng Dụng Trong Đời Sống Hằng Ngày 2006 – 2020
Trong “Việt Nam phong tục”, học giả Phan Kế Bính khuyên người ta không nên câu nệ vào ngày tốt xấu quá, nhưng cũng không ngăn cản, tùy theo quan niệm nhận thức của từng người.
Từ trước Công nguyên nhiều thế kỷ, Trung Quốc đã phát hiện rất sớm hệ thống 28 chòm sao (Nhị thấp bát tú) ở gần hoàng đạo và xích đạo trên bầu trời, các nhà thiên văn học cổ dựa vào đó để làm tiêu chí tham chiếu, quan sát tượng trời và sự vận hành của mặt trời, mặt trăng, ngũ tinh, tính toán làm ra lịch là chính. Nhị thập bát tú được thấy đầu tiên trong sách “Chu Lễ”, đến “Sử ký” mới hoàn bị. Người xưa cũng dùng nó để tính toán sự dự báo tốt hay xấu trong hoạt động đời sống hằng ngày ở con người.
Cổ nhân còn quan niệm 12 chỉ trực (Thập nhị chỉ trực, tên 12 sao hay 12 thần) của 12 tháng hay 12 giờ. Trực, trước đây để chỉ tên cho 12 tháng âm lịch kết hợp với tiết khí về sau chi phối sự tốt hay xấu của sao, của 12 tháng 12 giờ.
Trong thiên văn cổ, Hoàng đạo (Thiên hoàng đạo) là quỹ đạo chuyển động mặt trời trên bầu trời mà cổ nhân đã quan sát được, qua đó thấy có những khoảng cách khác nhau của đường đi mặt trời trong một năm. Cổ nhân đã lấy đường đi đó để phân định mùa và tiết khí cũng như phân định tốt và xấu. Thuyết Nhị thập bát tú cũng bắt nguồn từ Hoàng đạo.
Để giúp cho những người tìm hiểu ứng dụng được nhanh khoa thiên văn đông phương cổ đại trong đời sống hằng ngày thay vì phải mất công tính toán để có ngày giờ cần tìm là sao gì? trực gì? giờ nào là hoàng đạo hay hắc đạo? trong một ngày, hiện nay trên thị trường có một số sách tính toán chưa chuẩn mực theo qui luật vận hành của khoa thiên văn cổ. Có nhiều trường phái soạn sao tốt hoặc xấu, ở đây tác giả soạn theo trường phái Tinh đẩu, dựa vào tài liệu “Bàn về lịch Vạn niên” của các tác giả Tân Việt và Thiều Phong, soạn lại lịch từng ngày trong nhiều năm để người dùng có thể dễ dàng tra cứu hơn, tùy cơ ứng biến trong công việc và an tâm hơn trong đời sống hằng ngày.
Mời bạn đón đọc.