Giới thiệu sách Theo Dấu Người Xưa
Tôi có duyên quen biết thân tình khá nhiều bạn thuộc lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Riêng trong số các bạn trẻ có liên quan hoạt động chữ nghĩa, sách vở, học thuật, phải kể có Phan Mạnh Hùng và Nguyễn Đông Triều, là chỗ có thể ngồi chơi trao đổi chân tình với nhau về đủ thứ chuyện trong những lúc trà dư tửu hậu. Hai người là đồng tác giả của cuốn “Theo dấu người xưa” mà bạn đọc đang cầm trên tay.
Với Nguyễn Đông Triều, tôi đã được đọc trước đó khá nhiều bài viết, phần nhiều đăng trên các báo, trong đó chủ yếu là Tạp chí Xưa và Nay của Hội Sử học Việt Nam mà tôi có tham gia chút ít trong khâu biên tập, thì thấy phiên dịch, biên khảo rất cẩn trọng. Với Phan Mạnh Hùng, tôi cũng nhận ra một phong cách làm việc nghiêm túc tương tự. Hai người thường là đồng tác giả của những công trình khảo cứu về di tích văn hóa – lịch sử và văn học miền Nam giai đoạn khoảng trên dưới một thế kỷ trước, kết quả của bao chuyến đi điều tra thực địa lặn lội gian khổ nhưng chắc đầy thú vị ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, cũng như bao công phu tra tìm thêm trong đống sách báo cũ, nhờ vậy đã cung cấp được cho người đọc hôm nay, phần nhiều không đọc được chữ Hán Nôm, những kiến thức bổ ích cần thiết liên quan đến các đình chùa miếu mạo và các di văn còn để lại của người xưa, vốn gắn liền với lịch sử gian lao cuộc di dân khai phá và xây dựng vùng đất mới Nam Bộ.
Tiếp theo sách Tìm trong di sản văn hóa phương Nam đã được xuất bản vào khoảng 6 tháng trước (Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ), nay trong sách “Theo dấu người xưa” này, hai tác giả lại tiếp tục mang đến nhiều khám phá thêm nữa, trong một quyển sách hầu như chia thành 2 phần khá rõ rệt.
Phần trước, chủ yếu do Nguyễn Đông Triều viết, trên cơ sở khảo sát thực địa nhiều nơi để thu thập tư liệu, bao quát một phạm vi rộng lớn từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên đến Thành phố Hồ Chí Minh, ra tới Bình Thuận, đã ghi chép/ giới thiệu một cách công phu và chính xác nhiều di tích văn hóa, lịch sử cũng như về một số nhân vật liên quan đến lĩnh vực Hán Nôm, nhờ đó chúng ta có thể biết thêm những chi tiết đáng chú ý về nhiều chuyện có thể đã từng được nghe thoáng qua đâu đó nhưng chưa tường tận, như Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Văn Nhơn và khu mộ cổ ở Sa Đéc, di sản văn hóa Hán Nôm đình Bình An, chùa Vĩnh Phước An (Bạc Liêu), văn tế nôm Nam Bộ qua sách Gia lễ tập thành, chùa Ngọc Hoàng một di tích độc đáo…
Trong phần trước này, yếu tố văn tự/ văn chương Hán Nôm được đặc biệt chú ý khai thác/ diễn giải với hàng trăm câu đối, hoành phi, thơ, văn có kèm phiên âm, dịch nghĩa cẩn thận, không chỉ giúp người đọc ngày nay nhận thức được di sản quý báu của các thế hệ cha ông, trong khi nghiên cứu văn hóa – lịch sử hoặc đi du lịch, mà còn góp phần bổ sung tư liệu đáng kể cho những bộ quốc sử hoặc lịch sử văn học sau này.
Phần sau, chủ yếu là những công trình của Phan Mạnh Hùng đã được đăng báo/ tạp chí, đặc sắc vì đã giới thiệu được, hay nói đúng hơn “nhắc lại” được, một mảng văn học miền Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 40-60 của thế kỷ trước mà trong một thời gian khá dài hầu như đã bị lãng quên, khiến nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, không được biết đến. Đó là những công trình, tác phẩm của giới nhà văn/ nhà nghiên cứu tiền phong tiêu biểu của miền Nam mà hoạt động của họ phần nhiều gắn chặt với ngành báo chí – xuất bản của thời đó. Đọc phần này, chúng ta sẽ có dịp được biết và hiểu thêm bài văn khóc thầy của các nhà văn Quốc ngữ tiên phong, Túy Kiều án và Túy Kiều phú ở Nam Bộ, việc giới thiệu về Nam Bộ trên Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tập chí, Tân Dân Tử và những bộ tiểu thuyết lịch sử lừng danh về Gia Long, Dương Tử Giang nhà văn dấn thân, Thẩm Thệ Hà nhìn từ lĩnh vực phê bình văn học…
Tóm lại, nếu đọc kỹ “Theo dấu người xưa”, người đọc thời nay chắc chắn sẽ tìm thấy bên trong còn lắm điều hay. Đó là chưa kể kèm rải rác theo các trang sách còn có nhiều hình ảnh tư liệu minh họa quý hiếm, giúp theo dõi phần nội dung chính của công trình biên khảo này một cách dễ dàng thoải mái hơn.
Trong một góc khác để chia sẻ, riêng tôi còn quý mến hai tác giả Phan Mạnh Hùng – Nguyễn Đông Triều, đều là giảng viên trẻ của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ở chỗ cả hai anh dường như chưa bị lôi cuốn lắm vào lối sống thực dụng phổ biến của giới trẻ Việt Nam hiện tại vốn đã lan khá sâu vào mọi ngóc ngách của xã hội, nhờ thế vẫn còn bình tĩnh, tâm huyết lo việc khảo sát di tích, rị mọ sách vở, để ngày càng cống hiến được cho xã hội nhiều công trình nghiên cứu văn hóa – lịch sử bổ ích. Đó cũng là thêm một lý do thúc đẩy tôi hôm nay vui vẻ viết lời tựa này.
– Trần Văn Chánh
16 – 5 – 2017
Mời bạn đón đọc.