Smith hàm ý về mối e ngại trước sự khốc liệt đến mức động chạm tới ranh giới những điều cấm kỵ trong xã hội thời đó, của những hình ảnh văn chương và thông điệp nhân sinh mà W. Faulkner (Giải Nobel Văn học năm 1949) đưa ra trong cuốn sách.
Câu chuyện vuột khỏi tầm người kể
Qua hai lần trực tiếp sửa chữa, đánh máy lại trên bản thảo tác phẩm và ngay trên bộ vỗ sắp chữ của nhà in, Sanctuary được Faulkner dành cho độc giả như hiện trạng, suốt từ năm 1931 (in lần đầu) cho tới nay. Cuốn sách với số phận kỳ lạ thêm một lần nữa chứng minh, ý nghĩa không thể thay thế của thể loại văn chương lấy tiếng nói phản tỉnh xã hội và vượt thoát khỏi những "cấm kỵ" về đạo đức làm chủ đề trung tâm, đồng thời nó cũng tự tìm đến lối tổ chức nghệ thuật gây bất ngờ, độc đáo và sắc bén. Tương tự như con đường đưa một số nhà văn sau này đến với giải thưởng Nobel Văn chương: Gunter Grass (1999), Elfriede Jelinek (2006)…
Bản thảo đầu tiên không được công bố, nhưng thông qua bản được thừa nhận chính thức, người đọc có thể hình dung tính chất khốc liệt và bi thảm trong đời sống của con người miền Nam nước Mỹ, vượt khỏi mọi hình dung, sự hoạch định hay cố gắng mô tả.
Phần quan trọng trong câu chuyện của Faulkner không bao giờ được kể như những gì đang diễn ra, với sự chứng kiến tỉnh táo, đáng tin của bất kỳ ai. Tất cả những gì được tái hiện chỉ là cố gắng của nhiều nhân vật, lắng nghe, đeo bám, dò dẫm, phục hiện… nhưng rốt ráo không hơn gì kẻ "tới trễ", chỉ lượm được mảnh rớt lại của những gì đã xảy ra, tựa như "thầy mù sờ voi".
Luật sư Benbow Horace trên đường tới thị trấn, bị tên ma cô Popeye nghi ngờ và cưỡng chế về sào huyệt của chúng, nơi chuyên nấu Whisky lậu, một ngôi nhà nát trong vùng rừng hoang sơ thuộc Mississippi, tuy không cách xa các thị tứ văn minh. Tại đây, anh được vợ chồng chủ lò rượu lậu, một cựu binh Thế chiến II tên Goodwin giúp đỡ để đi tới thị trấn.
Sau này, Horace hết lòng bênh vực Goodwin bằng mọi lập luận và chứng lý có thể, trong vụ án khủng khiếp, giết người và cưỡng hiếp man rợ cô nữ sinh Temple Drake tại ngôi nhà nát, khi Goodwin bị buộc tội, nhưng tất cả cố gắng của anh đã trở nên vô ích.
Điều đáng chú ý, câu chuyện về Goodwin, như một hình ảnh của lòng trắc ẩn và lương thiện lại được cố ý kể lại theo cách gián tiếp, rời rạc, thiếu chi tiết, chìm khuất dưới vô số biểu hiện của cái thực tại hỗn độn được mô tả qua sự mù mờ, ngây ngô, điếc lác, có khi vô trách nhiệm, hoặc trong trạng thái hoảng loạn, thậm chí bằng cái nhìn đầy thành kiến của các nhân vật khác.
Nghệ thuật của sự ngắt quãng và xa lạ
Câu chuyện của Faulkner cho chúng ta thấy, từng bước, cái thiện và những ham muốn tốt lành của đời sống đã bị vùi dập và hủy hoại một cách tàn nhẫn và bất công ra sao, tương tự như trường hợp Giết con chim nhại (To Kill The Mocking Bird) của Harper Lee.
Nhưng thứ nghệ thuật của riêng Faulkner lại nằm ở cách thức ông đã buộc chúng ta đối mặt với những điều kỳ lạ, u ám và man rợ trong chính mỗi người bình thường.
Bạn đọc sẽ không thể quên Goodwin, kẻ làm tất cả để duy trì tình yêu thương và lương thiện, nhưng lại hiện ra như một tên nấu rượu lậu, từng có án giết người, tiếp tục bị khép tội cưỡng hiếp và giết người man rợ. Không thể quên bà vợ của ông, người đã rời bỏ cuộc đời ấm êm, làm gái điếm để chờ đợi và lo lót cứu người tình ra khỏi nhà giam, nuôi một đứa bé trong cái hộp giấy giữa rừng sâu, kết cục bị cướp mất người chồng, chỗ dựa cuối cùng và bị đẩy ra ngoài lề cuộc sống. Không quên phiên tòa mà từ nghi can cho tới nạn nhân, nhân chứng, đều trở thành kẻ đồng lõa khi giấu giếm sự thật về kẻ thủ ác. Không quên những công dân mông muội lương thiện đã tự thực thi thứ công lý giáo điều man rợ bằng việc thiêu chết nghi can vụ án…
Faulkner đã dành cho bạn đọc sự thích nghi từng bước, làm thế nào để tất cả những khát vọng tốt lành hay bản năng thông thường đều bị nhuộm đen và trở thành bi thảm?
Sự vận dụng quyết liệt và cạn kiệt thủ pháp "ngắt quãng" trong miêu tả nhân vật giúp nhà văn phá tan logic của sự kiện và tính cao trào thông thường, phá bỏ logic "tính cách nhân vật" theo hình dung sẵn có.
Theo quan sát của nhiều nhân vật khác nhau, diễn tiến câu chuyện được dựng lại hết sức hình thức và máy móc, theo lối hình dung võ đoán, có khi thuần túy thị giác. Các nhân vật được mô tả trở nên xa lạ, không thể đoán định so với con người khởi đầu của nó. Đối thoại rời rạc, "ông chẳng bà chuộc", bộc lộ thứ thực tại và quan hệ bị bẻ gãy bởi những động lực riêng rẽ không hề có quy ước chung giữa con người.
Trong phần ghi chép, Faulkner bày tỏ, ông đã "dành thời giờ suy nghĩ những gì mà một con người ở Mississippi tin tưởng là khuynh hướng (đời sống) căn bản hiện nay, cố gắng tìm ra câu trả lời xác đáng nhất, và hư cấu những câu chuyện khủng khiếp nhất mà bản thân tôi có thể tưởng tượng".
Cũng chính ông là người đưa ra thông điệp, không phải bản thân cái ác, mà nỗi khiếp nhược trước tội ác sẽ làm sụp đổ toàn bộ giá trị mà con người phải trả giá bằng hàng ngàn năm gây dựng, như luật pháp, công lý, nền văn minh.
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 14/10/2012)
Khánh Phương.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn