Giới thiệu sách Thánh Địa
"Thị vừa bị một cú đánh như trời giáng. Đau quá! Cơn đau cứ trào lên, vò nặn, vặn vẹo, thít nghẹt con tim Thị. Chưa bao giờ Thị bị đánh đau như thế. Mới hay, bị đau, đâu cứ phải ăn đấm hay ăn đá, bằng cẳng tay hay gót chân. Cú ra đòn cứ như từ trên trời rơi xuống. Những vòng tròn vàng vàng, trăng trắng loang loáng trước mắt Thị. Chóng mặt quá, Thị gục đầu xuống bàn. Cái ánh mắt hằn học của Hạnh liếc nhìn Thị cùng tiếng cười khẩy và câu nói lửng lơ khe khẽ: “Hóa ra là đồ ăn cắp!” đủ để Thị hiểu người đặt tờ báo Xã hội lên bàn mình là ai.
Một cái “tít” giật gân trên tờ báo còn nồng mùi mực in, vừa ra “lò” sáng nay, đập ngay vào mắt khi Thị bước đến bàn làm việc: “Đạo văn hay lập lờ đánh lận con đen”. Chưa kịp ngồi xuống ghế, Thị vồ lấy đọc. Thị vỡ nhẽ dần…
Cách đây hơn một năm, con gái Thị tròn mười tám tuổi. Đúng ngày sinh nó, cũng là ngày Thị thở phào khi viết xong dòng cuối truyện ngắn “Đoạn đời sóng gió”. Thị ghi bút danh Hồng Hoa – tên con gái, rồi gửi báo Văn. Mãi không thấy có hồi âm trên báo, Thị đinh ninh truyện của mình đạt “tiêu chuẩn ba vê” – (3V). Tức là đã bị vo viên vứt rồi. Thất bại của lần thử bút đầu tiên với báo này khiến Thị nghĩ rằng, văn chương Thị chỉ đáng xếp hạng thứ thôi. Tuy nhiên, đem “Đoạn đời sóng gió” ra đọc lại, Thị vẫn thấy mình bị hút hồn vào những nhân vật đầy cá tính trong đó. Tháng trước, Thị quyết định gửi truyện này cho tạp chí Văn hóa, với cái tên cúng cơm của mình. Một cái tên thật nhạt nhòa, không chút gợi cảm: Nguyễn Thị Mỳ. Sau một tuần, thấy truyện xuất hiện trên tạp chí với cái tên: “Đổi đời!”. Nội dung chỉ bị gọt bớt đôi câu gai gai, gờn gợn. Nhưng Thị vẫn thấy vui vui. Mấy cậu phóng viên trẻ của tạp chí thì suýt xoa: “Truyện chị viết hay quá!”.. Chẳng rõ họ khen xã giao hay thật. Thị mỉm cười cảm ơn…".
Mục lục
Tụt dốc
Ông – Nàng và Hắn
Chòng chành
Lựa chọn
Cái ghế
Thánh địa
Một thời để nhớ
Trắc trở
Mẹ và con gái
Khoảng trống
Tôi đi tìm tôi
Lặng lẽ một đời
Cuộc đời còn dài
Ba ơi
Cha tôi
Người đứng sau sân khấu – Mẹ con
Mời bạn đón đọc