Giới thiệu sách Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại
Trước khi cuốn sách này ra đời, thế giới chỉ biết đến một Thành Cát Tư Hãn rất tàn bạo. Nhưng giáo sư nhân học nổi tiếng Jack Weatherford thuộc khoa Nhân chủng học của Đại học Macalester, Mỹ lại cho chúng ta một cái nhìn rất khác, về một Thành Cát Tư Hãn đã tạo nên thế giới hiện đại hơn chúng ta tưởng như thế nào.
Trong 25 năm, đội quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lãnh đạo đã chinh phục được nhiều vùng đất và người dân hơn so với điều người La Mã đã làm suốt 400 năm. Ở hầu hết mọi quốc gia đặt chân tới, người Mông Cổ mang đến sự gia tăng chưa từng thấy trong giao tiếp văn hóa, mở rộng giao thương và làm nền văn minh nở rộ. Tiến bộ hơn hẳn so với phần còn lại của châu Âu hay châu Á, Thành Cát Tư Hãn đã bãi bỏ hình thức tra tấn, cho phép tự do tôn giáo và đập tan các hệ thống phong kiến đặc quyền đặc lợi của giới quý tộc.
Từ câu chuyện về sự trỗi dậy của ông thông qua văn hóa bộ lạc với sự bùng nổ của nền văn minh mà Đế chế Mông Cổ mở ra, công trình lịch sử rực rỡ này có thể được xem như bản sử thi về cách thế giới hiện đại hình thành.
Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại là một tác phẩm từng trụ vững ở vị trí Best Seller (tác phẩm bán chạy) của The New York Times trong vòng 2 tuần năm 2004. Trong cuộc thi sách nói trên Audible.com, cuốn sách cũng đứng đầu vào năm 2011. Vào ngày 12 tháng 10 năm 2014, tác phẩm nằm ở vị trí thứ 6 của tờ The New York Times về những cuốn sách điện tử bán chạy nhất.
+ ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:
“Có rất ít thời gian để đọc khi tôi nhận công việc mới. Nhưng trong số ít những thứ đã đọc, cuốn sách yêu thích của tôi là Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại của Jack Weatherford. Nó đã miêu tả Thành Cát Tư Hãn dưới một góc nhìn hoàn toàn mới, cho thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo thế tục tuyệt vời…”
– Manmohan Singh, Thủ tướng Ấn Độ
“Cuốn sách đọc như Iliad vậy. . . Vừa mang tính ký sự vừa mang tính sử thi.”
– Washington Post
“Khó có người nào với những khởi đầu bất hạnh đến thế lại có thể đạt đến những thành tựu lớn lao như vậy, ngoại trừ Chúa Jesus.”
– Harper’s Magazine
+ Ý NGHĨA CỦA ẢNH TRÊN BÌA SÁCH:
Như nhiều nhân vật lịch sử vĩ đại, chân dung ông được hậu thế mô tả đầy mâu thuẫn. Tới thời kỳ Khai sáng, vào cuối thế kỷ 18, hình ảnh đáng sợ của Thành Cát Tư Hãn xuất hiện trong “Con côi Trung Hoa”, vở kịch của Voltaire viết về cuộc xâm lược Trung Hoa của quân Mông Cổ: “Người ta gọi ông là vua của các vị vua, Thành Cát Tư Hãn hung hăng, người tàn phá những cánh đồng châu Á phì nhiêu”, “kẻ độc tài hủy diệt… kẻ tự đắc… cưỡi lên cổ các nhà vua,” nhưng “không hơn gì một tên lính Scythia hoang dại sinh ra trong vũ khí và rèn luyện để đổi lấy máu”. Thế nhưng bản thân người Trung Quốc, những kẻ bị xâm lược, chịu khuất phục dưới vó ngựa và cung tên Mông Cổ, thì lại họa hình Thành Cát Tư Hãn như một ông già với chòm râu thưa và đôi mắt trống rỗng, tựa như một nhà hiền triết lơ đãng hơn là một chiến binh Mông Cổ dũng mãnh. Bức chân dung này của ông chính là hình trên bìa cuốn sách của chúng tôi.
Mời bạn đón đọc.