Vương An Ức chọn cách miêu tả hình tượng người phụ nữ như biểu hiện tràn đầy sung mãn của đời sống bình thường, niềm hạnh phúc sâu xa của tồn tại cá nhân.
Trở lại với cuốn tiểu thuyết mới – Thắm sắc hoa đào – sau thành công vang dội của Trường hận ca, Vương An Ức một lần nữa khẳng định bút lực vượt trội của mình so với các nhà văn Trung Quốc đương thời, bằng một ngôn ngữ kể chuyện hiện đại, đa chiều, và quan niệm nhân sinh phóng túng, xa rời những thứ luận lý sẵn có.
Không còn bận tâm đến những thua thiệt, bất hạnh mà người phụ nữ trong một xã hội hậu Nho giáo phải gánh chịu, như các đồng nghiệp của mình: Tô Đồng, Dư Hoa, Giả Bình Ao…, Vương An Ức chọn cách miêu tả hình tượng người phụ nữ như biểu hiện tràn đầy sung mãn của đời sống bình thường, niềm hạnh phúc sâu xa của tồn tại cá nhân.
Câu chuyện xoay quanh những biến cố đời sống của hai mẹ con: Minh Minh (vốn là một diễn viên hài kịch) – Úc Hiểu Thu và những người thân quen khác: Úc Tử Hàm, chồng cũ của Minh Minh; anh chị cùng mẹ khác cha của Hiểu Thu; Dân Vỹ, bạn học của Hiểu Thu, cũng là người yêu đầu đời; Dân Hoa, người chị gái đầy lòng đố kỵ và thành kiến của Dân Vỹ; anh rể của Hiểu Thu, người sau này sẽ mang lại những bất ngờ…
Là những người đẹp của sàn diễn kịch nghệ từ tấm bé, với những vai đào “nhí”, cho tới lúc trưởng thành, nhưng người mẹ Minh Minh phải đương đầu với những truân chuyên của thời vận, mệnh hồng nhan, có lúc từng làm vũ nữ nơi đất khách, bị phụ bạc, nuôi con một mình…; trong khi cô con gái Hiểu Thu, lại phải chống chọi với những trái ngang, đen tối của thời đại cách mạng văn hóa.
Minh Minh, Hiểu Thu đều không phải người có nhan sắc vượt trội hay tài năng nổi bật, không tham vọng, đòi hỏi, không ngộ nhận gì về bản thân, mà chỉ đơn giản sống trọn vẹn cá nhân cũng như thời cuộc mà mình sinh ra. Vẻ đẹp của họ gần hơn với sự quyến rũ giới tính thiên phú, vẻ gợi cảm, và sức lay động của bản năng ham sống mạnh mẽ. Họ chấp nhận mọi éo le thua thiệt do thời đại hay số phận mang lại, không bất bình oán thán, và việc chịu đựng hay tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh bất hạnh, kém may mắn đối với họ chẳng hề là gánh nặng gì đáng kể. Tất cả đều xuất phát từ thiên bẩm lành mạnh, tươi sáng, cũng như niềm hạnh phúc nội tâm sâu sắc.
Bằng cách đó, người phụ nữ trong Thắm sắc hoa đào vượt khỏi mọi thành kiến, đố kỵ, ngộ nhận của đám đông xung quanh, thỏa mãn cá tính độc lập và độc đáo của bản thân, cũng như mang lại điều tốt lành từ nội tâm mình tới cho đời sống. Cũng bằng cách như vậy, người phụ nữ-bình-thường nhưng mang đầy nét khác lạ mãnh liệt của cá nhân, đã bình thản vượt qua những oan khốc nặng nề, những gian lao và nguy biến tưởng chừng không thể vượt, của một thời đại lầm lạc, một dân tộc đau thương. Để chỉ còn lại những niềm vui bình dị, những cảm xúc từ nhiều phía, niềm kinh ngạc về một cuộc sống đời thường ẩn chứa xiết bao bất ngờ, khác biệt, không ai có thể dự đoán nổi, mà nhà văn đang mở ra trước mắt chúng ta.
Vương An Ức sinh năm 1954 tại Nam Kinh, là con gái của nữ nhà văn nổi tiếng Như Chí Quyên. Bắt đầu sáng tác vào năm 1976, sự nghiệp cầm bút của bà rất đáng chú ý với nhiều giải thưởng uy tín: năm 1999, Trường hận ca được tạp chí Asian bình chọn là một trong 100 tiểu thuyết Trung Văn thế kỷ 20, tác giả giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần thứ 5 năm 2000, nhà văn xuất sắc trong năm giải Truyền thông Văn học Hoa ngữ 2008.
Khánh Phương
(Nguồn: Báo Vnexpress)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn