Dù mạch truyện viết theo lối truyền thống quen thuộc nhưng tác giả không lệ thuộc vào cốt truyện. Ở đó, từng mảnh đời đan xen để tạo ra chiều sâu của nhiều số phận, đan xen những mảng đời quá khứ và hiện tại.
Điều thú vị, viết về chiến tranh với sự khốc liệt nhưng yếu tố tâm linh, vẻ đẹp của làng quê Nam bộ, nếp truyền thống văn hóa như một mạch cảm hứng trong trẻo: "Tha la đã trở thành một ốc đảo giữa sa mạc, một bóng mát cổ xưa, là hương hồn của làng xóm, cái hiện hữu của lòng phước thiện từ bao đời đã in bóng xuống dòng sông, ban phước lành cho mọi người, mọi làng quê".
Mở ra một không gian trong Tha la Bến Đá là khu vườn nhà bà Năm Ân. Bà hai người con trai là Nhân và Nghĩa đi bộ đội giải phóng, cả hai anh em đều hy sinh. Chia sớt nỗi đau ấy, bà còn người con gái nuôi là Gấm. Cô gái xinh đẹp này yêu Dũng, một chiến sĩ quân giải phóng. Như mọi cuộc tình trong chiến trong, họ có với nhau một "mầm hạnh phúc". Cô Gấm sinh con trai vào đúng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui chung ấy, cô lặng lẽ đau buồn trong tình riêng bởi Dũng đã hy sinh. Tuy vậy, kết quả của hạnh phúc và niềm an ủi dành cho cô là bé Hòa An. Từ đó, ta nhận ra rằng, "Có thể nói, chiến tranh đã biến dạng khuôn mặt con người thành những mặt nạ đau buồn hay tha hóa thể xác từng khuôn mặt người. Nhưng tận sâu tâm hồn người dân nơi đây dưới cái bóng mát nhân ái, nó vẫn ẩn giấu những nỗi niềm mơ ước và tin yêu".
Trong tiểu thuyết này còn có nhiều tuyến nhân vật khác nhau. Đó là Smith, một sinh viên Khoa Đông phương học – Trường Đại học NewYork – con một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Sau chiến tranh, thế hệ trẻ lớn lên, dù ở hai chiến tuyến nhưng họ vẫn gần gũi nhau bởi tình người. Khi người cựu chiến binh Mỹ muốn tìm lại hài cốt của bạn mình, Smith và Hòa An đã làm việc tìm kiếm này.
Trong khi đó, nhân vật khác là Hai Ký – một chiến sĩ quân giải phóng, từng sống và chiến đấu ở vùng Tha la Bến Đá. Sau ngày thống nhất đất nước, Hai Ký là giám đốc một công ty danh tiếng nhưng rồi "viên đạn bọc đường" của thế sự đã bắn ông ngã gục. Lúc hấp hối, ông có nguyện vọng là khi chết được nằm lại khu vườn nhà má Năm bởi nơi ấy ông đã sống những ngày có lý tưởng, nơi đó ký ức bi hùng của chiến tranh vẫn hằn sâu trong đất đai cây cỏ. Thật cảm động, lúc ấy: "Mắt ông khép lại từ từ. Nét mặt hơi giãn ra. Hình như bóng mát Tha la đang lan dần. Tàn cây mát rượi che cho ông. Ông nghe như có tiếng chim hót. Đang có niềm thư thái an bình che chở cho ông".
Thì ra, thiên nhiên và ký ức hào hùng của chiến tranh vẫn không phụ lòng người. Ngày tháng sống có ý nghĩa ấy, khi nhớ lại thì các nhân vật của Trần Đắc Hiển Khánh "như đang tắm trong ánh sáng xanh dịu mà rực rỡ – Một cảm giác như đang nếm một thứ nước uống trong, ngọt mát đượm hơi thở của trái cây nơi Tha la Bến Đá".
Khép lại trang sách, người đọc rưng rưng với một không gian yên lành của vùng đất lành Tha la Bến Đá. Và sau khi chiến tranh đi qua, làng quê ấy lại trở về nhịp sống thanh thản, vẫn còn đó những tâm hồn chan chứa yêu thương…
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 6/9/2013)
K.N
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn