Giới thiệu sách Tấm Và Hoàng Hậu
Đánh thức quyền lực
Khi đưa Tấm và Hoàng hậu của Đội kịch CKT, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), về sân khấu kịch Hồng Hạc để biểu diễn chuyên nghiệp, nhiều người cho rằng tôi liều lĩnh. Tôi thì nghĩ khác. Thứ nhất, tiêu chí của Hồng Hạc là chia sẻ đam mê, đồng hành cùng những ý tưởng hay của người trẻ. Thứ hai, nghệ thuật là sáng tạo chủ yếu dựa vào chiêm nghiệm thực tế và cảm xúc thẩm mỹ. Kỹ thuật bổ túc được, nhưng cảm xúc, thẩm mỹ là chuyện của trái tim và văn hóa. Ý tưởng Tấm và Hoàng hậu của Nguyễn Phát rất thông minh, nhân văn.
Khởi hứng từ truyện cực ngắn Tấm khóc, Bụt hiện ra của nhà văn Nhật Chiêu:“Lóc thịt Cám làm mắm xong, Tấm chợt nhìn thấy Bụt bèn hỏi: Tại sao Bụt dám khóc trước mặt ta?”, Nguyễn Phát đã gợi suy một vấn đề không có trong tích cổ, dựng nên giả thiết về phạm trù đạo đức nội tại, khi lòng ham muốn quyền lực đã tàn phá trái tim trong sáng của nàng Tấm. Đó là một ý tưởng mạo hiểm, hợp thời và sâu sắc.
Nghệ thuật đòi hỏi sự cân bằng giữa tư tưởng và phương pháp truyền tải, biên kịch Nguyễn Phát, ngay từ ngôn ngữ, đã tạo ra những không khí rộng hơn không gian sàn diễn: “Trời về chiều quang đãng, một khúc đê dài băng ngang đồng gặt sau mùa lúa. Phía đình vang thanh hội lớn, không khí rộn rực âm vọng không gian. Lá gió xào xạc lùa qua mấy bụi tre dọc theo đường đất. Một thiếu niên độ chừng mười hai tuổi, bộ dạng hoạt bát, nhân diện sáng sủa, vận áo dài buộc đai gọn gàng, đang cắm đầu chạy, rồi chợt dừng lại thở dốc. Cậu là Thái tử đang bỏ trốn khỏi hội đình kén vợ cho chính mình”. Nhưng đó không phải là thế mạnh nhất của kịch bản, chưa nói những miêu tả tỉ mỉ trong kịch bản không quá cần thiết. Thế mạnh của Tấm và Hoàng hậu là thoại, vừa đậm sắc cổ ngôn, vừa uyển hoạt, duyên dáng: “Con cò núp bụi tre xanh. Chờ con cá đến như anh chờ nàng. Con cò núp bụi lúa vàng. Chờ con cá đến như nàng chờ anh…”. Điểm mạnh khác trong văn miêu tả của Nguyễn Phát là gợi hình, gợi âm, gợi thủ pháp dàn dựng. Thí dụ cảnh Tấm giết Cám, và từ đó cũng “giết” luôn cô Tấm hiền dịu trong bản thân:
“Tấm đẩy mạnh Cám xuống chậu tắm. Cám hét lên thất thanh, quằn quại trong đau đớn rồi dần chìm sâu. Tiếng trống dồn dập, tiếng rì rầm đồng thanh vang lên từ tứ phía:“Muốn tranh chồng chị, thì tranh cho khéo. Bằng mà không khéo. Chị xé xác ra”. Gương mặt Tấm chuyển sang thất thần, run rẩy, hết nhìn xuống làn nước nghi ngút khói rồi lại nhìn hai bàn tay mình. Mắt Tấm dần trở nên trống rỗng. Bỗng nhiên, từ phía sau bục cao trồi lên một nhân dạng trong bộ phục trang y hệt Tấm, đứng sát sau nàng. Tiếng trống dần lên cao trào với âm điệu dữ dội và rùng rợn. Nhân dạng đó cùng Tấm hoán đổi vị trí. Tấm biến mất, kẻ kia đội lấy hoàng mấn của Tấm, tay cầm dải lụa đỏ của Cám. Ánh sáng từ từ soi rõ một gương mặt sắc sảo nhưng độc ác. Bộ y phục giống hệt Tấm lúc này hiện rõ màu đen sẫm cùng họa tiết quyền lực lộng lẫy gấp bội phần. Ả ta nhẹ nhàng thả tấm lụa xuống chậu nước rồi điềm nhiên nhìn thẳng, trừng mắt vô hồn, chậm rãi nói như lên đồng: “Kể từ bây giờ, Ta là Hoàng hậu.”
Hai năm kể từ khi Tấm và Hoàng hậu diễn ở Hồng Hạc đến quyển sách này, thời gian đủ dài để Nguyễn Phát hiệu đính hoàn chỉnh hơn kịch bản gốc. Phát vốn học ngôn ngữ nên dụng công khá chuẩn ngôn ngữ, nhưng cũng từ ưu thế đó mà đôi khi đối thoại hơi dài cho sân khấu. Nhưng đó là chuyện về sau, cuốn sách ta cầm trên tay là câu chuyện mới lạ, lôi cuốn, giàu tính triết; nó khiến ta liên tưởng nhiều dị bản thế nhân: Có những thứ viên thành tuyệt đẹp nhưng ta không biết trân giữ, đến khi đối diện mất mát thì cuống cuồng níu kéo, gây thêm hệ lụy, tiêu vong bản chất. Tôi tin thông điệp “đánh thức quyền lực” của kịch bản sẽ khiến nhiều “Hoàng hậu” tự vấn.
Đầu sách Nguyễn Phát ghi “Tìm kiếm chính mình là hành trình cô độc nhất”, nhưng trong cuộc tìm kiếm Tấm và Hoàng hậu, Nguyễn Phát nhất định có nhiều người chia sẻ.
Đạo diễn VIỆT LINH
Mời bạn đón đọc.