Giới thiệu sách Tác Giả Cổ Nhạc Bạc Liêu – Cuộc Đời Và Sự Nghiệp
Tác Giả Cổ Nhạc Bạc Liêu – Cuộc Đời Và Sự Nghiệp:
Người đời biết đến Bạc Liêu vì Bạc Liêu đã từng là tỉnh giàu có nhất nhì vùng Nam Bộ, có những chàng Công tử nổi tiếng ăn chơi; nhiều người còn biết đến Bạc Liêu vì đây là một mảnh đất giàu tình nghĩa và đậm chất thi ca. Nói như thế quả không ngoa bởi Bạc Liêu đã từng sản sinh ra nhiều anh tài cùng những tác phẩm văn thơ bất hủ. Bạc Liêu còn được biết đến như một chiếc nôi của cổ nhạc Nam Bộ mà bản Dạ cổ hoài lang là một ví dụ điển hình.
Cổ nhạc Bạc Liêu thắm đượm tình quê. Nó như làn hương thoảng nhẹ, lan toả khắp trời Nam và bay đến tận những miền xa, nơi đâu có người Việt Nam sinh sống. Giới nghệ sĩ cải lương không ai không biết đến Nhạc Khị – Hậu tổ cổ nhạc Bạc Liêu – “Một con người đã đi vào huyền thoại”, nghệ sĩ Bảy Kiên – “Giọng ca vàng của những năm đầu thế kỷ XX”, Cao Văn Lầu – “Ngôi sao sáng của cổ nhạc Việt Nam”, Ba Chột – “Một nhạc sĩ kỳ tài ở Bạc Liêu”….. Song ít ai biết được rằng, các nghệ nhân, các bậc anh tài đó đi lên từ những luống cày kết dính những hạt phù sa màu mỡ mang hương vị đậm đà của quê hương Bạc Liêu. Dù có đi đâu hay sinh sống trên mảnh đất này, tất cả họ đã chung tay, tiếp nối bằng cả sự đam mê và sáng tạo nên dòng chảy âm nhạc đờn ca tài tử – cải lương không hề vơi, không bao giờ ngừng nghỉ. Với các điệu nhạc ngũ cung học đã làm nên những điều kỳ diệu, góp với đời những sắc màu để tạo nên vườn hoa nghệ thuật nước nhà đầy mật ngọt, hương thơm….
Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu – cuộc đời và sự nghiệp là một công trinh có giá trị trên nhiều bình diện của sử học, nhân danh học, văn hoá – nghệ thuật …. Nó giúp người đọc hiểu đầy đủ hơn về giá trị của một loại hình nghệ thuật vốn sản sinh từ vùng đất Nam Bộ với sức lan toả mạnh mẽ và sự cải tiến không ngừng để được thăng hoa. 30 nhân vật trong tác phẩm, mỗi người một vẻ, được tác giả sắp xếp, trình bày giới thiệu như một bức tranh toàn cảnh của cổ nhạc Bạc Liêu, như một nhịp cầu nối từ quá khứ đến nay và vươn mãi trong tương lai. Nó sẽ là niềm động viên cho sự nối tiếp những công trình nghiên cứu về cổ nhạc Việt Nam sau này.
Với Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu – cuộc đời và sự nghiệp, người đọc không khỏi nể phục trước sự công phu sưu tầm, khảo cứu, tập hợp và xử lý một khối lượng tư liệu khổng lồ và khá phức tạp của tác giả công trình. Ngoài việc giới thiệu chân dung các tác giả cổ nhạc Bạc Liêu, tập sách còn có những đóng góp lớn lao trong việc sưu tầm bản gốc và các dị bản của Dạ cổ hoài lang; xác định được ngày chính thức ra đời của Dạ cổ hoài lang (ngày rằm tháng Tám âm lịch), một cái mốc quan trọng trong lịch sử cổ đại, để từ đó có cơ sở đề xuất làm ngày truyền thống văn hoá của tỉnh…..
Mục lục:
Lời giới thiệu của Bạch Tuyết
Cổ nhạc Bạc Liêu
Nhịp cầu nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai
Lời nói đầu
Các tác giả
Hậu tổ cổ nhạc Bạc liêu – Một con người đã đi vào huyền thoại
Sư Nguyệt Chiếu – Nhà sư, nghệ sĩ – Một gương mặt hai cuộc đời
Nghệ sĩ Bảy Kiên – Giọng ca vàng của những năm đầu thế kỷ XX
Cao Văn Lầu – Tác giả bản Dạ Cổ Hoài Lang – Ngôi sao sáng chói của cổ nhạc Việt Nam
Nguyễn Văn Bình – Nghệ sĩ tiền bối của xứ Láng Giài
Ba Chột – Một nhạc sĩ kỳ tài ở Bạc Liêu
Trịnh Thiên Tư – Tác giả sách ca nhạc cổ điển – Một nhà nghiên cứu lão thành
Lư Hoà Nghĩa – Người khai sinh bản vọng cổ nhịp 8 đầu tiên
Mộng Vân – Người sáng tác kịch bản cải lương nhiều nhất ở Việt Nam
Năm Hưng – Và tập bản thảo cổ nhạc Tầm Nguyên
………
Mời bạn đón đọc.