Giới thiệu sách Song Thoại Với Cái Mới (Tiểu Luận)
Nhà thơ chính là những kẻ không hề ngần ngại phân tích và đánh giá một cách công khai các sản phẩm thi ca của những người đồng thời và đồng nghiệp. Khác với các nhà tiểu thuyết và sáng tác kịch, thi sĩ hầu như cũng luôn luôn đồng thời là nhà phê bình thơ.
Nhìn lại hành trình thơ của mình và người đồng hành, là ý thức mang tính phản tỉnh việc làm của mình và người đồng hành. Nó giúp ta nhận mặt những nhàm cũ, lối mòn lâu nay ta từng đi và giẫm lên dấu chân kẻ đi trước hay của chính mình mà không biết, biết còn mơ hồ hoặc biết mà không cảm thấy cần/ không nỗ lực tránh.
Nhìn như thế mang ở tự thân tinh thần đối thoại, từ đó kích thích người viết rời bỏ lề thói sáng tác nặng thói quen và bảo thủ. Nó khả thể chấp nhận những va quẹt cần thiết vào các định kiến cũng như quan điểm lạc hậu trì níu thơ Việt phát triển. Để thơ sẵn sàng dấn bước lên đại lộ thi ca nhân loại trong thời đại toàn cầu hoá đã khởi động từ hơn thập niên qua.
Nhìn trong cảm quan hậu hiện đại cái nhìn giải – trung tâm, phá vỡ vách ngăn văn chương (bị cho) là ngoại vi với văn chương trung tâm (thế giới), văn chương ngoài lề/ chính tống (trong nuớc), văn chương nam/ nữ giới, văn chương dân tộc thiểu số / dân tộc đa số, thơ tiếng Chăm / tiếng Việt,… Nỗ lực đưa thơ trở lại ngôi nhà thi ca như nó là thế: Giải trừ thói quen viết và đọc thơ, thứ thói quen đầu thơ vào bế tắc dai dẳng, khiến thơ ngày càng tự đánh mất mình, “xa rời quần chúng” rồi đánh mất luôn quần chung trung thành ấy.
Từ điểm nhìn đó, mỗi nhà thơ được trích dẫn trước hết, xuất phát từ việc tìm sự đồng cảm giữa người làm thơ cùng thế hệ. Các sáng tác đó là vật chứng sáng giá cho một / vài luận điểm – các luận điểm luôn quy vào yếu tính của thơ: Thơ là một thực thể bất định nên, để tồn tại, nó luôn hướng về phía chuyển động.
Tuy vậy, dẫu thơ bị đóng cứng bởi đầu óc bảo thủ ngoan cố tới đâu, bị làm rách nát do kẻ nổi loạn phá phách cỡ nào; thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến những đâu chăng nữa, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ.
Mục lục:
Mở: Thơ như là một thiết yếu
Thơ, nghĩ và viết
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo
Bế tắc trong sáng tạo
Văn chương Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa
Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn
Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố “nữ”
Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động
Sáng tác văn chương Chăm hôm nay
Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt
Góp nhặt sỏi đá, hay đối thoại về sai lầm lặp đi lặp lại về việc nhìn nhận thơ hôm nay
Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần
Văn chương mạng
Văn chương trẻ Sài Gòn ở đâu
Khai mở bế tắc sáng tạo (phỏng vấn)
Kết: Thơ như là con đường
Thư mục tham khảo chính
Inrasara – thông tin.
Mời bạn đón đọc.