Rơi xuống từ bóng tối
Thứ Bảy, 12/01/2008
Vũ Đình Giang đã viết về thế giới không đàn bà không phải bằng sự quan sát bên ngoài mà bằng sự bóc trần nhân vật từ bên trong.
Đó là một thế giới đóng kín, trong tăm tối, chỉ có họ với nhau. Trò chơi dìm chết mặt trời là một minh chứng. Sợ ánh sáng, trốn đám đông, G.g và H trốn vào trong nhau, bóc gỡ đến tận cùng những riêng tư cuồng loạn. Nhưng câu trả lời cuối cùng là: Không gì cả. Không đáp ứng được. Không sẻ chia được. Không tìm thấy được… Đã có sự lẩn tránh, giấu giếm, quay lưng, dù không phải gian dối hay phản bội. Một sự cô đơn tận cùng đặt cạnh một sự cô đơn tận cùng khác là gì? Là hai sự cô đơn song hành. Có thể tiệm cận nhưng không gặp nhau. Có thể đồng dạng nhưng không đồng chất. Có thể chuyện trò nhưng không nối kết…
Xô pha đỏ, Trương Quốc Vinh – Bá vương biệt cơ, toan và sơn dầu, MSM, René Magriite, Truman Capote, sói con, thức ăn đóng hộp, tủ lạnh, máy điều hòa, bồn tắm – tranh, cây rắn lục, nghĩa trang bạch tạng, ông cháu người hàng xóm, G. world… Đó là thế giới của họ, không gian của họ. Bố cục của trò chơi là không có bắt đầu và không cả kết thúc. Bởi vì, bắt đầu hay kết thúc thì cũng chẳng khác gì nhau. “Tôi có vũ trụ riêng, vệ tinh riêng, tôi quay theo quỹ đạo của tôi… Tôi là một sinh vật bị lỗi…”. Vui hay không, cái thế giới hai người ấy? Hai mà là một. Hai trong một. Một thành hai. Lẫn lộn vào nhau, nhưng không cách gì hòa trộn được. Những người thân đã giày xéo lên tuổi thơ họ, để lại những vết sẹo kỳ dị luôn sưng tấy lên trong tiềm thức, bắt họ phải bạo hành để trả thù. Mà bạo hành dễ dàng nhất là với chính mình.
Không có nhân vật nữ với tư cách người đàn bà. Hai phụ nữ trong chuyện, một là người mẹ khủng khiếp đã nung đỏ, rèn thành thép tính cách thằng con trai – nạn nhân của mình. Người kia là cô gái thấu tỏ mọi thứ, quan sát thằng bạn bằng cặp mắt tinh quái không phê phán. G.g hay H, hay Kan, hay người hàng xóm, hay người bạn trai của Kan…, những hình dạng đàn ông ấy, chỉ là những mảnh ghép trong một thế giới không đàn bà, thế giới không thuộc về số đông.
Có ai đáng thương không? Và có ai cần người khác thương không? Không. Họ cần thứ khác. “Muốn chiến thắng, phải biết tàn ác… Tôi trở thành kẻ lạ ở bất cứ đâu, không gieo rắc tình thương vào bất cứ ai, không bao giờ ký sinh lòng tin vào bất cứ thế lực gì… Tự dưỡng nuôi mình bằng thói thờ ơ trống rỗng, cảm giác sống được mà không cần cắm rễ tình yêu vào bất cứ ai, lại không phải đau đớn gì, chính là thứ trạng thái mà tôi hài lòng nhất… Thiên đàng ư? Không. Địa ngục ư? Cũng không. Chúng tôi thuộc về một thế giới khác, cái thế giới có thể hữu hình mà cũng có thể vô hình. Cái thế giới chưa được đặt tên, chưa được công nhận…”.
G.g và H bế tắc, vì họ thực sự đắm chìm, còn Kan như là kẻ tạt ngang, cuối cùng đã có thể thẳng thừng dứt bỏ. Kan không chấp nhận không gian mà G.g và H chia sẻ, cả những “tội ác” mà hai người toàn tâm toàn ý hưởng thụ. Những cách thức của đứa trẻ con hung bạo: tra tấn chiếc ghế, hành hạ đám nấm, tàn sát thực vật, bỏ tù vũng nước, bẻ cổ con ngỗng… Nhưng đến hành động giết chết hai ông cháu hàng xóm thì mọi thứ đã bị đẩy đi quá xa. Dẫu sao, trong câu chuyện, việc làm này có vẻ chỉ tồn tại trong hoang tưởng, hoặc chỉ là những giả định. Hai con người yếu đuối này quá thiếu sự trưởng thành. Họ vẫn chỉ là những thằng bé bị cha mẹ cầm nắm, dù là trong tiềm thức, vô thức.
Luôn mơ ước được bay lên (“Chỉ cần biết bay, dù là một con ruồi bẩn thỉu, với tôi đã là điều tuyệt vời lắm rồi”), nhưng cả G.g lẫn H đều không thể bay lên được. Họ không có cánh. H đã thất vọng khám phá rằng, mặt trời vẫn còn đó: “Chẳng ai có đủ quyền năng giết một thứ biết tỏa sáng được”. Và H cũng đã chết, sau khi thản nhiên nhìn sâu vào cái chết của G.g. “Thế giới này có đủ rộng như người ta vẫn tưởng?”. Có lẽ thế giới không đủ rộng nên cuối cùng, cả hai đều bỏ đi. Ngay trong cách chết, họ vẫn níu giữ những thói quen và những ước ao bất khả đạt của mình đến cùng.
Tiểu thuyết giống như sự nối kết những nhật-ký-nội-tâm của nhân vật. Và cho dù Vũ Đình Giang đã cố đứng ra xa để mô tả mọi thứ một cách lạnh lùng, thì ý định của tác giả vẫn có thể bị nhận ra: “Sao người ta chỉ cho con đến trường học chữ, học quan sát thế giới, học phân tích xúc cảm, mà không học cách tự vệ, chống trả và kiểm soát những vấn đề tồi tệ vướng phải từ bên trong?”.
Ngô Thị Kim Cúc
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn