Giới thiệu sách Sống Khó Hơn Là Chết
Sống khó Hơn Là Chết:
“….Thực tình tôi không thể hiểu được con người. Tôi cứ tưởng con người có lý trí, có tình cảm, hai thứ ấy bổ sung cho nhau tạo ra phép ứng xử. Ai ngờ họ luôn luôn tìm cách thỏa mãn nỗi lòng mình, khát vọng của mình. Mà khát vọng của họ thì vô cùng vô tận. Họ có một đồng là nghĩ ngay tới đồng thứ hai, thứ ba. Họ trở thành kẻ coi rẻ đồng tiền sau khi họ quá hy vọng vào nó, nhưng sự thực thì cái hy vọng ấy là con số ngược lại với niềm mong ước. Vì sao lại bi thảm thế? Chẳng lẽ những đồng tiền tự nó đẻ ra được sự xảo trá? Hay bản tính của con người mang sẵn sự tham lam xảo trá mỹ miều? Kẻ có nhiều tiền mơ ước có nhiều tiền hơn, nhưng không thoát khỏi bị kẻ nhiều hơn mình lừa lọc. Kẻ có ít tiền khao khát việc làm, khao khát miếng ăn. Có việc làm, có miếng ăn rồi, họ tiếp tục khao khát tiền bạc, giàu sang và quyền lực. Tất cả những điều đó lúc nào cũng sáng vằng vặc trong tâm khảm con người. Ấy vậy mà rồi con người vẫn cứ ra sức phấn đấu, tìm mọi lối để tự vươn lên, ai cũng muốn giương cao ngọn cờ nhân cách. Ôi nhân cách! Nhân cách! Con người đã tìm cách tiêu hủy nó, tôn tạo nó vào trong binh lửa của những cuộc chiến tranh!
Nhà văn gục đầu xuống bàn suy nghĩ, chợt anh ngửng lên cầm chai rượu tu một ngụm rõ to rồi dường như nỗi day dứt chồng sẵn trong người giờ đây được dịp hành hạ anh. Nhà văn nhăn nhó phì ra: “Sao lại nói về chiến tranh vào lúc này?”. Tôi thấy nhà văn của tôi đang vò đầu bứt tai, đó là động tác biểu hiện sự bức xúc để tự vươn lên vượt qua nỗi ẩn ức sâu xa đang ám ảnh anh ta. Chẳng là anh ta từng làm lính, từng từ trong binh lửa sống sót trở về. Cái gì anh ta cũng nhìn nhận bằng quá khứ. Ngay cả con ma men kéo lê cái thân rách nát của hắn ưỡn ngực vênh vang với đời bằng những đồng tiền, nhằm thỏa mãn mối hận thù manh mún, anh ta cũng bảo vì hắn là sản phẩm của cuộc chiến tranh đã qua. Cả chị Nhài nữa. Chị ấy có tâm hồn trong sáng, với những ước mơ trong sáng, nhưng vì lớn lên giữa thời chiến nên mới thành ra nông nỗi này! Tôi không ưa lối lập luận lấp liếm ấy, mặc dù sự thực đúng là như vậy. Sau khi con ma men đi theo hướng lũ người đồng cô ma quỷ thì chị Nhài ngồi đờ đẫn, nhìn vào khoảng trống hun hút của cõi lòng mình. Chị không thể để con bé phải sống vất vưởng như thế này mãi được! Bây giờ có vốn trong tay, ngay từ sáng mai, chị sẽ nghĩ cách xin việc làm, hoặc tự tìm cho mình một công việc. Con ma men chơi trò ma thuật để giải khuây, ngẫu nhiên đã cứu giúp được một hoàn cảnh đáng thương. Có đúng là tạo hóa đang san bằng tỷ số cho những hoàn cảnh? Tôi thấy nhà văn ngồi đun người, nhìn chằm chặp vào những con chữ. Anh ta ngao ngán gục xuống mặt bàn. Rõ ràng anh ta đang lâm vào tình trạng bế tắc…..”
Mời bạn đón đọc.
Sống khó hơn là chết – Ám ảnh quá khứ của Trung Trung Đỉnh
(Thứ Tư, 29/05/2008)
Bìa tác phẩm Sống khó hơn là chết |
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: “Tôi luôn cảm thấy cõi thực của hôm nay chính là cái kho quá khứ mà con người ta phải è cổ ra mang vác nó”.
. Phóng viên: Trở lại với văn học bằng tiểu thuyết Sống khó hơn là chết (tác phẩm vừa được NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam ấn hành vào giữa tháng 5-2008), nhà văn có thể nói gì khi chọn một cái tên đầy tính triết lý như thế?
– Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Mỗi con người có một hoàn cảnh, không ai chọn được số phận cho mình. Tính cách của mỗi người quyết định số phận của họ mà thôi. Các nhân vật của tôi cũng thế. Họ sống như cuộc sống vốn vậy, không thể khác.
. Vì sao ông không để cho “cõi thực” trong tác phẩm Sống khó hơn là chết chỉ thuộc về cuộc sống hiện tại ?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh (ảnh do nhà văn cung cấp) |
– Thật ra, tôi đặt bút viết những trang đầu tiên của cuốn sách này vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Phần đầu đã in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Ngân hàng Tuyên Quang, sau đó là Báo Đường Sắt. Nói như thế để độc giả có thể hình dung “cõi thực” của những năm đó, bây giờ nhìn lại như trong cổ tích. Phần cuối cuốn sách ghi là “cõi thực” thì đó chính là hiện tại, là hôm nay. Tôi luôn cảm thấy cõi thực của hôm nay chính là cái kho quá khứ mà con người ta phải è cổ ra mang vác nó.
. Ông muốn gửi những trăn trở gì khi kết thúc tác phẩm bằng hình ảnh những con người ngồi trong sự im lặng vĩnh hằng?
– Cái kết tuy rất ngắn, nhưng lại chứa đựng toàn bộ khối “thuốc nổ” của quá khứ và của cả hiện tại. Nếu không có khoảnh khắc lặng câm ấy, chắc nó – tức là cuộc sống thực ấy – sẽ nổ tung mất.
. Với ông, hành trình có ý nghĩa nhất của cuộc sống là gì? Và hành trình của ngòi bút có ý nghĩa nhất là khi chạm vào số phận những nhân vật nào?
– Hãy nghĩ tới tuổi trẻ và tình yêu. Viết văn cũng thế. Tôi cũng không có ý định làm nhà cách tân, nhưng tôi không thích đi lại lối cũ mà mình đã đi. Tôi không đi kiếm tìm nhân vật, cũng không kiếm tìm ký ức. Thực ra, tôi không đủ khả năng để cho nhân vật được sống thế này hay phải thế kia. Họ bước vào tác phẩm của tôi với những gì vốn có.
. Độc giả luôn thấy bóng dáng chiến tranh trong hầu hết các tác phẩm của Trung Trung Đỉnh. Phải chăng ký ức của một thời khói lửa luôn là một nỗi ám ảnh day dứt trong ông?
– Đúng thế. Tuổi trẻ là quãng thời gian quý nhất của đời người. Vậy mà toàn bộ tuổi trẻ của tôi – của thế hệ chúng tôi bị cuốn vào cuộc chiến khốc liệt. Thoát chết về được không có nghĩa là thoát khỏi cuộc chiến.
. Một thời ông gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên như máu thịt và nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã từng nhận xét “không ai viết về Tây Nguyên chân thật như Trung Trung Đỉnh”. Ông có nghĩ rằng sẽ tiếp tục viết về Tây Nguyên, về những con người nơi ấy – vốn là một đề tài không dễ tìm thấy trong các sáng tác mới trên văn đàn văn học hôm nay?
– Không ai chọn quê hương cho mình. Tôi được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng nhưng toàn bộ tuổi trẻ của tôi ở trong rừng Tây Nguyên với bà con các dân tộc trong thời chiến tranh. Mấy chục năm hòa bình tôi vẫn tiếp tục lặn lội về thăm lại nơi ấy. Tôi không nghĩ rằng sẽ tiếp tục viết về Tây Nguyên, mà thật sự là tôi chưa bao giờ thoát khỏi những năm tháng tuổi trẻ nơi chiến trường bom đạn này. Ngay cả trong tác phẩm Sống khó hơn là chết cũng vậy. Các nhân vật của tôi đều mang chút gì đó của núi rừng Tây Nguyên, thậm chí là rất nặng nợ với mảnh đất này.
Trở về cõi im lặng vĩnh hằng Một đồng tiền đi lạc qua bao nhiêu cuộc đời, lắng nghe tiếng nói từ trái tim của những kiếp người ấy, rồi nó đến và kể cho nhà văn nghe những câu chuyện thăng trầm. Đồng tiền chỉ trị giá 1.000 đồng nhưng lại mang theo cuộc hành trình dài những ám ảnh của quá khứ và cả ám ảnh về “những điều trông thấy” ở thế giới người. Đồng tiền và nhân vật nhà văn như là hai người bạn tri kỷ, gặp nhau và chia sẻ sự đời bên ly rượu lạt. Đôi lúc, câu chuyện của đồng tiền và hồi ức của nhà văn lẫn lộn vào nhau, gần như cả hai cùng trôi vào một chiều của tư duy để rồi bật ra những suy ngẫm về thế thái nhân tình. Trong Sống khó hơn là chết, tác giả để cho nhân vật tự nói lên những tiếng nói day dứt, những suy nghĩ đau xót của mình. Tiếng nói của những phận người chịu quá nhiều cay đắng cứ như những con sóng xô mãnh liệt vào thác ghềnh cảm xúc. “Ôi! Nhân cách! Nhân cách! Con người đã tìm cách thiêu hủy nó, tôn tạo nó trong binh lửa của những cuộc chiến tranh…”. Tiếng nói như bất lực của nhân vật trước thế-giới-người với những “kẻ có tiền thì mơ ước nhiều tiền hơn, nhưng không thoát khỏi bị kẻ nhiều hơn mình lừa lọc; kẻ ít tiền thì khao khát việc làm, khao khát miếng ăn… lại tiếp tục khao khát tiền bạc, giàu sang và quyền lực…”. Cuộc hành trình nào rồi cũng sẽ đến lúc kết thúc. Kết thúc của tác phẩm khiến người đọc ngậm ngùi, đồng tiền thiên di góp nhặt bao nhiêu suy ngẫm rồi thì cũng đến lúc hóa thân thành cát bụi; con người đi qua bao nhiêu trôi nổi thăng trầm, tranh đấu, giành giật để cuối cùng cũng về với hư vô. Chỉ có cõi yên lặng là ở lại trong tâm khảm của con người – thăm thẳm, vĩnh hằng… T.Q |
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Cái chết được người đời coi là sự giải thoát, nhưng đấy chỉ là khi người ta đã đi đến tận cùng nỗi đau, đi đến tận cuối con dốc cuộc đời, phải vậy chăng khi mà Trung Trung Đỉnh cứ trăn trở một câu "Sống khó hơn là chết", chết thì thôi rồi, nhưng đã sống, và sống thế nào cho đúng nghĩa của từ Sống mới thật khó biết bao…
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn