Giới thiệu sách Sổ Tay Từ Ngữ Việt Nam (Tái Bản 2017)
Con người nói chung, không chỉ có nhu cầu kiếm sống, mà còn có nhu cầu giao tiếp; đôi khi nhu cầu giao tiếp còn quan trọng hơn cả nhu cầu kiếm sống. Thử hình dung, sau một ngày làm việc cật lực trở về nhà, hai vợ chồng không ai nói với ai câu nào thì tiền bạc họ mang về có ý nghĩa gì? Đấy là chưa kể đến nỗi bất hạnh của con cái. Và cũng vậy, đến cơ quan, đám cưới, hội hè,… là những người “thèm” được giao tiếp với đồng loại như thế nào? Nói cách khác, vì một lí do nào đó mà bị tước bỏ quyền giao tiếp thì đó là một bản án “tử hình” khủng khiếp về tinh thần! Trong trường hợp ấy, con người không phát điên lên thì mới là sự lạ!
Nói như trên để thấy rằng, hàng ngày chúng ta đã “quay vòng” từ ngữ với tần số cao như thế nào! Và trong cái “vòng” đó, tất yếu ý nghĩa của từ ngữ cũng phải luôn luôn biến động để đáp ứng mọi nhu cầu giao tiếp của con người như: thông tin khoa học, trao đổi tư tưởng tình cảm, tạo lập quan hệ xã hội…
Nói một cách khác chữ nghĩa thì xã hội phát triển, nhận thức của con người phát triển thì ngôn ngữ cũng phải phát triển để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của con người. Trong sự phát triển chung của ngôn ngữ thì từ vựng bao giờ cũng là bộ phận phát triển mạnh mẽ nhất, vì:
– Nhận thức phát triển, con người ngày càng phát hiện ra những thuộc tính mới của các sự vật, hiện tượng đã biết, vì vậy phải có các từ ngữ tương ứng để biểu thị khái niệm về các thuộc tính mới của sự vật, hiện tượng một cách đầy đủ hơn.
– Đối với con người, trong thế giới xung quanh chỉ có cái “chưa biết” chứ không có cái “không thể biết”, nghĩa là con người càng ngày càng phát hiện ra nhiều sự vật, hiện tượng mới cần phải đặt tên cho nó bằng các từ ngữ tương ứng.
Mục Lục:
Lời vào sách
Phần 1: Nghĩa của từ ngữ là gì
Phần 2: Phân biệt cách viết các từ có phụ âm đầu dễ nhầm lẫn
Phần 3: Vài nét về sự phát triển của từ ngữ và cách dùng từ ngữ
Phần 4: Vài nét về từ Hán Việt
Phần 5: Nghệ thuật ngôn từ.
Mời bạn đón đọc.