Với tập truyện này, Banana mang đến những câu chuyện tình u buồn với các tình tiết rắc rối tới mức chẳng ai muốn liên tưởng tới cảnh huống thế xảy đến trong đời.
Bước vào thế giới của Banana, cảm giác đầu tiên là độc giả lập tức bị hút vào các nhân vật. Có lẽ vì thế, Banana tối giản các nhân vật xuất hiện trong tập truyện Say ngủ. Chỉ vừa vặn chừng đó con người, và gói gọn vào các nhân vật chính. Nhưng, điều khiến người đọc phải để mắt tới, đó là không gian im lặng bao phủ họ trong những giấc ngủ khác nhau.
Những độc giả từng đọc Banana sẽ lập tức nhận ra những nhân vật mang vết thương tinh thần nặng nề. Đó là Terako, cô gái trốn tránh bế tắc trong tình yêu với một người đàn ông có vợ đang sống thực vật suốt một năm (Say ngủ). Là Marie đang chống chọi với nỗi đau người yêu thiệt mạng vì tai nạn giao thông khi anh này đang tới chỗ hẹn hò (Lữ khách giữa hai màn đêm). Mizuo, dẫu đang tựa trên một bờ vai khác vẫn chưa nguôi ngoai cuộc tình tay ba nhuốm nỗi ê chề: hai cô gái cùng bị một gã đàn ông chả ra gì quyến rũ rồi gạt bỏ (Một trải nghiệm)…
Những cô gái trong Say ngủ có tâm hồn thật mềm mại, vì thế nên sống ủy mị. Họ phó thác cho tự nhiên cứu rỗi bằng những giấc ngủ với đủ hình thái khác nhau. Terako rơi vào những giấc ngủ triền miên để quên đi thực tại mà cô chả có cách gì thay đổi. Marie hụt hẫng trong những giấc mơ như có thực để gặp lại người yêu. Mizuo lạ lùng hơn, hút vào những cơn mộng du để gặp lại tình địch cũ mới qua đời.
Điểm đặc biệt, những tổn thương, mong manh như thế khiến người ta có thể rơi nước mắt, song lại không nhuốm sự bi quan, phản ứng bất bình sau những gì không mong muốn xảy đến. Bởi trong khoảnh khắc đó, cái tôi yếu đuối nhưng xiết bao chân thật được hiện diện ở những người phụ nữ bất hạnh này. Họ đẹp một cách lạ lùng, dẫu rơi vào nỗi đau, sự cô đơn, họ vẫn tự mình đối diện với nó. Thứ tâm lý mỏng mảnh mà trong suốt ấy khiến độc giả cảm nhận, dường như mình chạm tới nỗi đau.
Với Say ngủ, Banana mang đến những câu chuyện tình u buồn với các tình tiết rắc rối tới mức chẳng ai muốn liên tưởng tới cảnh huống thế xảy đến trong đời. Các cuộc tình tay ba chẳng đơn giản là ham hố dục tính, hay đó là điều không còn quan trọng với họ. Mọi thứ cứ luẩn quẩn va đập rồi lại quay về tìm nhau. Những cái chết hay cuộc sống thực vật như hình ảnh tượng trưng cho sự bế tắc đang bị dồn quánh lại. Ba người phụ nữ bị dồn vào chân tường, để từ đó vuột lên một sự thanh lọc tinh thần: trong nỗi buồn, toát lên sự trong sáng, cao thượng của họ.
Lời thoại trong tập truyện rất ngắn, đơn giản. Giả dụ như đặt phần kể chuyện sang một phía khác, độc giả sẽ có cảm nhận dường như các nhân vật đang khá thản nhiên trong tình thế ngõ cụt của mình. Như đoạn hai mẹ con Shimami trò chuyện về việc đêm qua Marie đột nhiên xuất hiện trong nhà mình, chỉ là vài câu thoại ngắn ngủn, rất ít thông tin (Lữ khách giữa hai màn đêm). Song đọc Banana còn có nghĩa bạn phải cảm nhận thấu suốt thông điệp ngầm ẩn náu đâu đó, để hình dung giữa các khoảng lặng ấy chất chứa những tiếng thở dài buồn bã, giấu diếm những điều không dễ gì chia sẻ bên trong, khiến không gian trở nên ngột ngạt.
Nữ tác giả Nhật Bản Banana Yoshimoto đã có một hành trình đầy ấn tượng với độc giả Việt Nam qua Kitchen, N.P, Vĩnh biệt Tugumi, Amrita, Thằn lằn… Với Say ngủ, hẳn bạn sẽ cảm thấy hài lòng, khi một lần nữa đắm chìm trong không gian văn học rất riêng của Banana.
Ngọc Mai
(Nguồn: Báo Vnexpress)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn