Giới thiệu sách Sau Đêm Vũ Hội
Lev Tolstoy không chỉ là tác giả của những tiểu thuyết vĩ đại mà truyện ngắn của ông cũng là một đóng góp đáng kể cho nền văn học Nga nói riêng và văn đàn thế giới nói chung.
“Sau đêm vũ hội” là câu chuyện về chàng Ivan Vasilievich yêu say đắm một tiểu thư kiều diễm, con của một vị đại tá đáng kính. Sau một đêm vũ hội, chàng tiễn nàng về nhà và chứng kiến cảnh cha nàng, vị đại tá đáng kính kia, đang tra tấn tàn nhẫn một anh lính vì tội bất kính… Trong chàng liền có một sự đổ vỡ nghiêm trọng và cuộc tình dần chìm vào quên lãng.
“Đức cha Serghi”: Kasatski là chỉ huy đội ngự lâm quân của Nga hoàng, tương lai danh vọng đang mở ra trước mắt. Quyết tâm chen chân vào giới thượng lưu, anh ngỏ lời lấy một nữ công tước. Hai bên đã đính hôn, nhưng đến phút cuối, anh khám phá nữ công tước nhận lời lấy anh là để che giấu mối tình vụng trộm với nhà vua. Chàng quyết định đi tu, lấy tên là Serghi. Qua hàng chục năm chiêm nghiệm đức tin, cuộc đời, cuối cùng Đức cha đã không vượt qua bản ngã của mình. Và dù cho ở hoàn cảnh nào, Kasatski cũng tự nhận mình là “nô lệ của Chúa”. Kết thúc câu chuyện, Kasatski bị xếp vào hạng người lang thang, bị kết án và bị đày đi Xibir. Tại Xibir, ông làm vườn cho chủ nhà, dạy trẻ con học và chăm sóc người ốm.
Về giai thoại khi viết truyện ngắn này của Lev Tolstoy: Trong một buổi hoàng hôn, khi đọc lại một đoạn tác phẩm “Đức cha Serghi” của mình, Lev Tolstoy đã không giấu nổi sự xúc động, ông nhắm mắt, tự buông một câu khen ngợi chính mình: “Lão già viết hay thật, hay thật”.
“Cái chết của Ivan I lyich”: Đúng như tên gọi của tác phẩm, Cái chết của Ivan I lyich là câu chuyện về những giờ phút cuối đời của Ivan. Người ta cho rằng, càng đến gần với cái chết, cả chặng đường dài của cuộc đời con người càng vụt hiện lên trong những giờ khắc ngắn ngủi, trong sự bao vây kinh khủng của nỗi cô đơn.
LevTolstoy viết Cái chết của Ivan Illych như chắt ra từ những ám ảnh bẩm sinh chứ không phải là từ những vốn sống ông thu lượm được trên cả một hành trình dài: “… nỗi cô đơn mà Ivan phải trải qua khi ông úp mặt vào lưng tấm chiếc đi văng. Giữa gia đình, bè bạn, giữa một thành phố đông đúc, ông bị bủa vây bởi nỗi cô đơn còn sâu hơn cả chiều sâu biển cả, sâu hơn cả chiều rộng trái đất, sâu hơn hết thảy mọi thứ trên đời”. Ivan không thể chia sẻ cảm giác này với bất cứ một ai, ông phải đối diện với những giờ tàn của số phận mà không nhận được bất cứ sự cảm thông và đồng điệu nào.
Những giờ phút cuối đời của Ivan không có người thân bên cạnh. Đau khổ hơn cho ông là sự chịu đựng thái độ dối trá và khinh bỉ của bà vợ. Trong mắt bà, ông và căn bệnh thập tử nhất sinh của ông là cả một sự phiền phức, dẫu Ivan đâu có đòi hỏi gì nhiều. Không ai có thể quên được hình ảnh một ông già trong giờ khắc chờ cái chết, đau đáu nhìn vào khoảng không thinh lặng và hồi tưởng về chặng đường sống của mình.
Mời bạn đón đọc.