Đặng Thiều Quang viết văn từ rất sớm, anh là cây bút nổi tiếng từ thời sinh viên và đã xuất bản nhiều tiểu thuyết như Hoen gỉ (1996), Chờ tuyết rơi (2007), Đảo cát trắng (2008), Bóng giai nhân (2009) cùng các tập truyện ngắn Tôi và D'Artagnan (2007), Phải lòng (2009). Bẵng đi một thời gian không thấy Đặng Thiều Quang cho ra tác phẩm mới, nhiều người quen biết ngỡ nhà văn trẻ ngày nào nay đã chuyển hẳn sang nghề kinh doanh cà phê và giải trí bằng thú câu cá.
Đặng Thiều Quang thừa nhận, viết văn với anh cũng cần một cái deadline như làm báo, và nhờ có sự hối thúc của nhiều bạn bè, độc giả anh mới hoàn thành được tiểu thuyết Săn cá thần. Đặng Thiều Quang là tay mê câu cá, anh có biệt danh là "quangcaqua" (tức Quang cá quả, nhờ có tài câu cá quả). Đặng Thiều Quang chia sẻ năm 2009 anh bắt tay vào viết Săn cá thần: "Ban đầu tôi chỉ định viết để cho anh em trong câu lạc bộ câu cá đọc giải trí. Vì là viết chơi nên không có một sức ép, nội dung không có lớp lang, và cũng không dụng công văn phong, nghệ thuật gì". Nhà báo Phạm Trung Tuyến (báo VOV) đã đề nghị Đặng Thiều Quang viết tiếp truyện và cho đăng từng phần lên báo VOV. Đó là một trong những động lực chính để Đặng Thiều Quang hoàn thành cuốn sách của mình.
Săn cá thần là một cuốn sách khác biệt so với những sáng tác trước đây của Đặng Thiều Quang. Nếu như lứa độc giả yêu văn học 8x biết tới Đặng Thiều Quang như một chàng D'Artagnan lãng mạn, thì ở Săn cá thần lại là một cây bút khác hẳn. Tác phẩm chứa đựng những chi tiết hoang đường, kịch tính, đầy chất phiêu lưu, kinh dị.
Truyện mở ra bằng chuyến đi câu của hai gã đàn ông, một người chủ động và một người thụ động, rồi cả hai bị cuốn vào cuộc săn con cá thần trên sông Thiêng ở miền núi phía Bắc. Con cá thần được nhắc tới và miêu tả ngay từ đầu truyện, đó là một con cá to khủng khiếp, nó mới xuất hiện trở lại sau nhiều năm biến mất: "Nó đã nuốt sống hàng chục con chó của dân bản trong vòng một tháng. Thậm chí ngay cả những con bê mon men ra bờ sông uống nước cũng bị nó đớp chân lôi tuột xuống sông. Tóm lại nó giống một con quái vật hơn là một con cá thần". Và hai nhân vật, một thì tự tin mạnh mẽ, quyết câu được con cá như là trong người có máu săn bắn, quyết câu được con cá để chứng tỏ tài năng và sức mạnh, một người thất bại nhút nhát thì câu cá như là một hành động a dua, đi săn cá cho có chuyện và để giết thì giờ. Nhưng rút cục, cả hai đều bị cuốn vào cuộc săn mà càng về sau càng trở nên kỳ quái không thể nào thoát ra được.
Săn cá thần chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường, huyền ảo. Ngay từ cái tiêu đề sách đã gợi về một sự thần bí, thế nhưng câu chuyện lại trưng ra một hiện thực sống trần trụi. Từ con cá thần ở một khúc sông hoang vắng, những giấc mơ báo ứng, lão thầy cúng bị cắn cụt tay, con cá khổng lồ trong một khúc sông… đều là những chi tiết huyền ảo, lại được tác giả dựng nên như thật đầy cuốn hút.
Nhưng cái hay nhất mà câu chuyện mang lại không phải là nội dung xuyên suốt, gọn gàng, diễn biến nhanh như một bộ phim Hollywood, cũng không phải những tình tiết huyền bí, kỳ ảo, mà chính là thông điệp về con cá thần mang lại. Con cá thần vừa là con vật cho các nhân vật đi săn, nhưng nó cũng mang tính biểu trưng, như một giá trị thiêng, một biểu tượng về niềm tin mà mỗi con người đều theo đuổi.
Trong Săn cá thần, Đặng Thiều Quang dựng nên hai nhân vật mang tính điển hình. Tú khỉ là đại diện cho những người hành động, một kẻ "ăn tục nói phét" bỗ bã, thẳng thẳn nhưng cư xử với bạn bè rất nghĩa hiệp. Còn nhân vật tôi – Đăng cuội – lại là một chân dung hiền lành, tự ti, nhưng sống hướng thiện. Đọc truyện dễ thấy nhân vật Tú khỉ hấp dẫn hơn cả, bởi là một nhân vật gồ ghề, từ cái sự lăn lộn chợ giời, chơi với đủ dân giang hồ mà vẫn nghĩa hiệp với bạn bè. Đặng Thiều Quang cho biết khi anh viết Săn cá thần, bạn bè trong câu lạc bộ câu của anh đã tổ chức hẳn một cuộc thi để xem ai giống nhân vật Tú khỉ hơn cả.
Khó tìm ra một người thực giống nhân vật trong truyện, nhưng chính con cá thần lại có một nguyên mẫu hẳn hoi. Tác giả Đặng Thiều Quang cho biết hội câu của anh năm 2009 từng nhận được cuộc điện thoại thông báo về sự xuất hiện của một con cá khổng lồ ở một khúc sống miền núi hoang vu, và câu lạc bộ câu đã cử người đi tiền trạm tìm con cá. "Tới nay chúng tôi vẫn chưa săn được con cá đó, và nó giống như một mối cừu hận của cả câu lạc bộ".
Đông đảo nhà văn, độc giả yêu thích Đặng Thiều Quang đã tới chúc mừng nhà văn và đón đọc tác phẩm Săn cá thần. Có mặt trong buổi giao lưu ra mắt sách, nhà văn Võ Thị Xuân Hà phát biểu: "Văn chương Việt đang rất cần những tiểu thuyết đương đại như Săn cá thần". Còn nhà văn Đỗ Bích Thúy thì nhận xét Đặng Thiều Quang đã thay đổi hẳn phong cách với cuốn sách mới nhất này. Chị nói: "Trong trí nhớ của tôi, giọng văn của Quang lãng mạn. Nhưng cuốn sách này lại hấp dẫn, và là một cuốn sách mà những độc giả yếu tim cần cân nhắc trước khi đọc".
Chính Đặng Thiều Quang cũng thừa nhận anh đã thay đổi cách viết. Anh nói: Khi viết, tôi đã đặt ra một mục đích là các nhân vật phải săn con cá thần. Câu chuyện cứ từ cuộc đi săn đó mà triển khai ra. Những kết cấu thay đổi, diễn biến nhanh, có sự bất ngờ… tuy nhiên nhân vật vẫn có những lúc lang thang về tâm trạng.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến cùng một số nhà văn có mặt tại buổi ra mắt nhận định Săn cá thần là tác phẩm hay nhất của Đặng Thiều Quang. Còn tác giả vẫn nghi hoặc về nhận định đó: "Năm 2009, tiểu thuyết Bóng giai nhân của tôi cũng được các nhà phê bình đánh giá là tác phẩm tốt nhất của Quang. Vì thế tôi quyết viết cuốn sách này tốt hơn cuốn Bóng giai nhân. Tuy nhiên, nó tốt hay không, tốt đến đâu thì phải chờ độc giả thẩm định".
(Báo vnexpress.net giới thiệu ngày 14/11/2013)
Hiền Đỗ
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn