Tập sách gồm 5 chương: Chương I: Áo trắng xuống đường, chương II: Chốn lao tù, chương III: Tuổi trẻ Sài Gòn sau ngày 30-4-1975, chương IV: Những bài thơ tôi viết trên đường phố – trong nhà tù từ 1968 – 1975 và chương V: Chứng từ và phụ lục. Sách dày 320 trang, có nhiều hình ảnh tư liệu.
Nhà báo Lê Văn Nuôi là một trong những gương mặt đấu tranh tiêu biểu trong phong trào SVHS miền Nam. Qua tập sách này, không chỉ viết về mình mà ông còn kể lại nhiều chuyện rất cảm động về những anh em, các bà má trong phong trào. Đọc từng chương sách, chúng ta tự hào với thế hệ đàn anh đi trước. Họ đã không chấp nhận bạo lực điên cuồng và cuộc chiến tranh phi nghĩa của chế độ Sài Gòn cũ.
Sự dấn thân của họ phải trả bằng máu, nước mắt và cả ngục tù. Nhà báo Lê Văn Nuôi viết: "Ngày 18-3-1972, 10 SVHS chỉ huy chiến dịch bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận ở bến Bạch Đằng để xử về tội "phá rối trật tự trị an". Trước khi đi, chúng tôi chuẩn bị phương án phá phiên tòa. Dao lam được bẻ đôi cột giấu vào tóc; vẽ chữ lên áo thun ba lỗ – cắt quai sẵn – để ráp lại thành biểu ngữ. Biện hộ cho chúng tôi là hai luật sư Nguyễn Long và Vũ Văn Mẫu (sau này là thủ tướng của chính phủ Dương Văn Minh cuối tháng 4-1975). Trong cáo trạng đọc trước tòa bất ngờ có câu:
– Bị cáo Lê Văn Nuôi khai lựu đạn MK3 dùng đánh phá bầu cử là do cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cung cấp. Tòa cho gọi nhân chứng Nguyễn Cao Kỳ.
– Ông Nguyễn Cao Kỳ không có mặt.
Lúc này, ông Kỳ lui về vị trí cũ là tướng tư lệnh không quân Sài Gòn. Tòa đình để nghị án, sau đó tuyên bố hoãn vô thời hạn. Chúng tôi lập tức túa ra, hô to: "Đả đảo tòa án quân sự mặt trận", "Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu", "Yêu cầu chính quyền trả tự do cho chúng tôi!". Chúng tôi rút dao lam ra cắt tay, lấy máu vẽ lên tường tòa án chữ "Tự do hay là chết".
Mỗi người phải lấy đủ máu vẽ một chữ, ráp trong câu khẩu hiệu đó. Áo thun vẽ chữ được tháo ra ráp lại thành biểu ngữ. Cảnh sát và quân cảnh xông vào đàn áp, tống chúng tôi lên xe giữa tiếng kêu khóc vang trời của các bà má phong trào và thân nhân.
Xe giải chúng tôi trở về nhà tù Chí Hòa. Khi xe ngang qua chợ Sài Gòn, chợt thấy những chiếc áo dài trắng tan trường, một nỗi đau xót chợt xâm chiếm hồn tôi. Không phải vì vết thương rỉ máu trên tay mà vì ước mơ cháy bỏng: đến bao giờ mình mới được tự do, ung dung cắp sách đến trường như các bạn?" (tr. 68-69).
Phải thừa nhận rằng, những chuyện kể này đã phần nào cho thấy được "hồ sơ" của một thế hệ. Và cũng nhằm làm rõ hơn ý nghĩa này, tập sách còn có chương "Những sự kiện lịch sử – thời kỳ 1965-1975 về phong trào đấu tranh của SVHS" (từ tr.264 đến tr.293), cần thiết cho những người tra cứu. Cũng từ tập sách này, lần đầu tiên thơ, kịch của nhà báo Lê Văn Nuôi sáng tác thời đấu tranh trong phong trào SVHS, thời bị giam giữ trong tù được công bố.
Lâu nay, về phong trào đấu tranh của SVHS đã có nhiều tập sách tiêu biểu, thực hiện công phu như Tiếng hát những người đi tới (Lê Hoàng, Nguyễn Công Khế, Lê Văn Nuôi chủ biên – NXB Trẻ), Viết trên đường tranh đấu (Trần Thức chủ biên – NXB Thuận Hóa), Lửa đường phố (hồi ký Võ Quê – NXB Thuận Hóa) v.v… thì tập sách Sài Gòn dậy mà đi một lần nữa xác tín rõ ràng suy nghĩ: "Trong bản đại hợp xướng ngôn từ của nền văn học yêu nước-cách mạng, dòng văn học được khai sinh từ cuộc đấu tranh trên "trận địa đường phố" là một bộ phận không thể tách rời nhưng có những thuộc tính riêng" (Viết trên đường tranh đấu – tr.11).
(Theo báo phunuonline.com.vn ngày 25/10/2012)
Lê Văn Nghệ.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn