Đượm chất du ký, giàu tính suy tưởng thi ca, đặt trong một cấu trúc "không bình thường", cuốn tiểu thuyết này vẽ ra quang cảnh mênh mông, kỳ bí và quyến rũ nhất của văn minh sa mạc.
Chỉ có thể thấu hiểu điều gì đang diễn ra dưới lớp ngôn từ đang tuôn chảy chuyển động, tự do phô phang vẻ đẹp lấp lánh huyền bí và say đắm kia khi nắm bắt được mạch ngầm chi phối – cấu trúc cuốn sách.
Trên phông nền bức tranh của cát, lấy bối cảnh những năm đầu thế kỷ 20, khi những người Cơ đốc thiện chiến đang tấn công và "bứng bật" những chiến binh cuối cùng của tộc Những Người Đàn Ông Xanh ra khỏi sa mạc Sahara, cuốn sách đồng hiện hai cuộc hành trình của hai thế hệ "mất mát" ngỡ như không gắn kết với nhau, nhưng thực ra lại được hoà quyện làm một. Đó là cuộc hành trình của cậu bé Nour trưởng thành trong cuộc di cư đi tìm đất hứa và những chuyến ra đi của cô bé Lalla, người vượt lên trên mặc cảm mất gốc để nuôi sống trong tâm tưởng mình những huyền thoại bộ tộc. Hai cuộc ra đi rời xa sa mạc nhưng thực chất là trở về trong sự quyến rũ, bao dung và sức sống sa mạc.
Nhưng nền văn minh sa mạc ấy, cụ thể là gì? Người ta có thể bóc tách và phân tích nó bằng những cái gạch đầu dòng? Không. Chính những con người đang sống đời du cư, du mục trong tộc người khuất lấp ấy cũng không bận tâm kiến giải mà chỉ "xác lập" bằng cảm nghiệm. Họ chỉ gắn với gió, cát và những cuộc hành trình dài mà "không ai biết mình đang đi đâu". Họ lặng im cảm nghiệm sức sống nền văn minh của mình ngay trong chính hành trình. Một hành trình trầm tư, hoà làm nhất thể với sa mạc: "Từ lâu lắm rồi họ đã trở nên câm nín như sa mạc, họ chan hoà ánh sáng khi mặt trời thiêu đốt giữa bầu trời trống hoác, và lạnh cóng về đêm với những vì sao im lìm".
Trên phông nền đó, huyền thoại về Người Đàn Ông Xanh được nuôi lớn trong cộng đồng (Người Đàn Ông Xanh sống trong túp lều bằng đá và cành cây ở rìa sa mạc, không chút sợ sệt trước con người lẫn dã thú). Huyền thoại tập quán và sự cộng hưởng bản năng sinh tồn trong một điều kiện khắc nghiệt là sức mạnh cố kết cộng đồng. Tư duy huyền thoại về bản sắc được truyền lại qua nhiều thế hệ, kháng cự lại tất thảy những xáo trộn thay đổi khắc nghiệt của lịch sử. Đó là vị tù trưởng Ma el Ainine, vị tù trưởng Nước Mắt với câu chuyện "tiếp kiến" và nhận lời chỉ giáo của Người Đàn Ông Xanh để lãnh đạo bộ tộc. Đó là người chiến binh mù khi thất trận vẫn tiếp tục cuộc hành trình đau đớn và đơn độc nhưng đầy sức mạnh niềm tin. Đó là Nour, người cảm nghiệm được trong cuộc hành trình tìm đất hứa sự ngưỡng vọng vào sức mạnh kỳ bí thiêng liêng của nội tâm. Và đó là cô bé Lalla tìm ra trong sự chìm khuất của chàng trai câm sống lẩn giữa muôn trùng cát sức mạnh của Người Đàn Ông Xanh, sức mạnh ấy một lần nữa nâng đỡ cô trên cuộc hành trình lưu lạc về Paris của một nền văn minh khác…
Có một sa mạc khác là sa mạc của những người du cư khi đi dạt về những thành phố, phía cái đói, cái lạnh, cái khổ, những kẻ bị sỉ nhục và sống trong cô đơn. Một sa mạc của rẻ rúng sinh mệnh, câm lặng và chết chóc. Ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng nhân loại học của Claude Lévi-Strauss, chống lại chủ nghĩa thực dân, Le Clézio không nhìn xuống đám người lúc nhúc nơi vỉa hè Paris kia một sự thương xót mà nhận ra ở đó, dưới cái thực tại nghiệt ngã, mất mát và rệu rã kia là một sự bất khuất, là những dấu chân không gì có thể xoá, là chuyến hành trình phi địa lý, phi thời gian; đầy bí ẩn và mê đắm một khi chính họ là hiện thân bất diệt của tinh thần sa mạc.
Tác giả soạn ra một tấu khúc vút cao, bi hùng cho bản giao hưởng Sa mạc vào cuối sách: "Tự do thì vô cùng, nó bao la như mặt đất mênh mông, nó đẹp đẽ và tàn nhẫn như ánh sáng, nó dịu dàng như con mắt của nước (…) Quay mặt về phía sa mạc, họ cầu nguyện không lời. Họ ra đi như trong một giấc mơ, họ biến mất".
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Nguồn: Báo SGTT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn