Giới thiệu sách Rộng Mở Tâm Hồn Và Phát Triển Trí Tuệ
Rộng Mở Tâm Hồn Và Phát Triển Trí Tuệ
Bây giờ, chúng ta đã quen thuộc với phương pháp rèn luyện tâm thức để có thể duy trì sự tập trung hoàn toàn vào một đối tượng thiền định. Khả năng này sẽ là một công cụ thiết yếu để nhận hiểu sâu xa về trí tuệ, đặc biệt là về tánh Không. Mặc dầu tôi đã đề cập đến tánh Không xuyên suốt tập sách này, nhưng bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn đôi chút xem tánh Không thực sự là gì.
Tất cả chúng ta đều có một cảm nhận rõ ràng về bản ngã, một cảm nhận về “cái tôi”. Ta biết rằng ta đang đề cập đến ai khi suy nghĩ “tôi đang đi làm”, “tôi đang về nhà”, hoặc “tôi đói bụng”. Ngay cả những con vật cũng có một ý niệm về tự thân chúng, dù chúng không thể diễn đạt điều đó bằng ngôn ngữ như cách làm của chúng ta. Nhưng khi ta cố gắng xác định và nhận hiểu xem “cái tôi” này là gì, hóa ra lại rất khó xác định chính xác.
Ở Ấn Độ cổ xưa, nhiều nhà triết học Hindu quan niệm rằng bản ngã này độc lập với tâm trí và thể xác của con người. Họ cảm thấy rằng, nhất định phải có một thực thể có khả năng mang lại sự tương tục giữa những giai đoạn khác nhau của “cái tôi”, chẳng hạn như cái tôi “khi tôi còn trẻ” hoặc “khi tôi đã già”, và thậm chí là “tôi” trong một kiếp sống quá khứ với “tôi” trong một kiếp sống tương lai. Vì tất cả những “cái tôi” khác nhau này đều ngắn ngủi và không thường tồn, nên người ta cảm thấy rằng nhất định phải có một “cái tôi” đơn nhất và thường tồn nào đó làm chủ thể của tất cả những giai đoạn khác nhau trong đời sống. Đây là nền tảng để thừa nhận một bản ngã, hẳn phải là khác biệt với tâm trí và thể xác. Triết học Hindu gọi cái bản ngã này là “atman” (linh hồn).
Thật ra, tất cả chúng ta đều ôm giữ một ý niệm giống như thế về bản ngã. Nếu ta khảo sát về cách thức mà ta nhận hiểu về ý nghĩa của bản ngã này như thế nào, [ta thấy rằng] ta đã xem nó là trung tâm điểm cho sự hiện hữu của ta. Ta không kinh nghiệm bản ngã như một sự kết hợp nào đó của chân, tay, đầu, mình… Thay vì thế, ta nghĩ về bản ngã như là chủ nhân của những bộ phận này. Ví dụ, tôi không nghĩ rằng cánh tay của tôi là tôi, tôi nghĩ đó là cánh tay “của tôi”, và tôi nghĩ về tâm thức cũng theo cách giống như vậy, như là [một đối tượng] thuộc về tôi. [Sau khi phân tích như vậy, ta] nhận ra được rằng ta đã tin là có một “cái tôi” độc lập và tự nó hoàn chỉnh ở nơi trung tâm điểm sự hiện hữu của ta, là chủ thể của những bộ phận hợp thành ta.
Có gì sai lầm với niềm tin này? Làm sao một bản ngã đơn nhất, vĩnh hằng và bất biến, độc lập với tâm trí và thể xác như thế lại có thể bị phủ nhận? Các triết gia Phật giáo cho rằng, bản ngã chỉ có thể được nhận hiểu trong mối tương quan trực tiếp với phức thể thân-tâm. Họ giải thích rằng, nếu có một linh hồn hay bản ngã thực sự tồn tại, thì hoặc là nó phải tách biệt với những bộ phận không thường tồn đã cấu thành nó, tức là tâm hồn và thể xác, hoặc là nó phải đồng nhất với những bộ phận của nó. Tuy nhiên, nếu bản ngã là tách biệt với tâm hồn và thể xác thì nó sẽ chẳng có quan hệ gì cả, vì nó sẽ hoàn toàn không liên quan gì đến tâm hồn và thể xác. Còn nếu cho rằng một bản ngã thường tồn không chia tách có thể đồng nhất với những bộ phận không thường tồn đã tạo thành tâm hồn và thể xác thì thật là khôi hài. Tại sao? Vì bản ngã là đơn nhất và không thể chia tách, trong khi các bộ phận là số nhiều. Làm sao một thực thể thuần nhất lại có thể có các bộ phận [cấu thành]?
Vậy thì, bản chất của “cái tôi” mà ta đã quá quen thuộc này là gì? Một số triết gia Phật giáo hướng đến sự kết hợp giữa các bộ phận của thân, tâm và chỉ xem tổng thể tất cả những cái đó là bản ngã. Những người khác cho rằng dòng tương tục của tâm thức chúng ta nhất định là bản ngã. Cũng có những người tin rằng bản ngã là một năng lực tinh thần riêng biệt nào đó, một “nền tảng tâm thức của mọi thứ”. Tất cả những ý niệm như thế đều là những nỗ lực để [giải thích] cho phù hợp với niềm tin sẵn có của chúng ta về một bản ngã trung tâm, trong khi vẫn phải thừa nhận tính không hợp lý của sự chắc thật và thường tồn mà ta đã quy gán cho nó một cách tự nhiên.
BẢN NGÃ VÀ PHIỀN NÃO
Nếu ta khảo sát những cảm xúc của mình, những kinh nghiệm tham luyến hay căm thù mạnh mẽ, ta sẽ nhận ra rằng nguồn gốc của những cảm xúc này chính là sự bám víu mãnh liệt vào một quan niệm về bản ngã. Một bản ngã như thế được ta mặc nhiên cho là độc lập và tự hoàn chỉnh, với một thực thể chắc thật. Khi niềm tin vào một bản ngã như vậy gia tăng, thì mong muốn thỏa mãn và bảo vệ nó trong lòng ta cũng gia tăng.
Hãy để tôi đưa ra một ví dụ. Khi bạn nhìn thấy một cái đồng hồ xinh đẹp trong cửa hiệu, bạn tự nhiên bị nó hấp dẫn. Nếu người bán hàng làm rơi nó, bạn sẽ nghĩ: “Ối trời, cái đồng hồ đã bị rơi.” Ảnh hưởng của điều này đối với bạn sẽ không lớn lắm. Tuy nhiên, nếu bạn đã mua cái đồng hồ và nghĩ về nó như là “đồng hồ của tôi”, và rồi bạn làm rơi nó, ảnh hưởng này sẽ cực kỳ mạnh mẽ. Bạn cảm thấy như thể tim mình nhảy vọt ra ngoài. Cảm xúc mạnh mẽ này từ đâu đến? Sự sở hữu được sinh ra từ cảm nhận về “bản ngã”. Cảm nhận của ta về “cái tôi” càng mạnh mẽ thì cảm nhận về “cái của tôi” cũng theo đó mà mạnh mẽ hơn. Đây là lý do vì sao việc chúng ta phải nỗ lực để xóa bỏ niềm tin về một bản ngã độc lập và tự hoàn chỉnh là điều rất quan trọng. Một khi ta có thể đặt nghi vấn và xóa tan đi sự tồn tại của một quan niệm như thế về bản ngã, những cảm xúc sinh khởi từ đó cũng được giảm thiểu.
Bằng chính những trải nghiệm tu tập của mình, Ni sư đã viết cuốn sách Rộng Mở Tâm Hồn Và Phát Triển Trí Tuệ với một văn phong trong sáng dễ hiểu nhưng được sự hiểu biết rõ ràng về Phật Giáo như vẫn từng được tu tập bởi những người Tây Tạng. Những giáo pháp này thật tinh tế và thâm diệu, nhưng điều hết sức quan trọng là chúng phải được giảng dạy theo cách sao cho người ta có thể thực sự đưa vào tụ tập có được những lời lạc chân thật.
Rộng Mở Tâm Hồn Và Phát Triển Trí Tuệ chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu đó và sẽ chứng tỏ sự hữu ích đối với những độc giả phổ thông, đặc biệt là những người trước đây chưa có dịp làm quen với đạp Phật.
Mời bạn đón đọc.