"Vươn tới đỉnh vinh quang", cụm từ ấy như một món thuốc gây nghiện. Nhưng đọc sách, chứng kiến những "thương hải tang điền", những thắng lợi chói lọi rồi thất bại thảm thê không ngừng luân chuyển, cảm giác ám ảnh và băn khoăn không ngừng đeo đuổi độc giả.
Vinh quang thật sự là gì? Đó là cái đích cuối cùng hay chỉ là điểm khởi đầu cho những hành trình và chinh phục bất tận?
Đỉnh vinh quang chỉ là điểm khởi đầu
Không có minh chứng nào hùng hồn cho câu hỏi này bằng những trang viết về Alexander Đại đế. Bước lên ngôi vương Macedonia, chàng trai trẻ Alexander hăm hở dẫn quân đi chinh phạt khắp nơi với tham vọng rừng rực: thống nhất các thành bang Hi Lạp và khuất phục đế quốc Ba Tư – "những kẻ man rợ phương Đông".
Không gì ngăn nổi cơn lốc cuốn tàn bạo ấy! Cũng không gì có thể ngăn cản thứ vinh quang như thể thiên định của Alexander!
Nhưng thứ bùa ngải chiến thắng ấy chỉ thúc đẩy "cái tôi" của Alexander tăng cao ngùn ngụt, khiến "gót Archilles" của chàng dũng tướng trẻ tuổi liên tiếp lộ ra… Alexander tỏ ra hụt hơi khi phải thống soái cả một đội quân hùng hậu, không có mệnh lệnh gắt gao và kỷ luật thép, đội quân ấy liên tiếp chỉ biết đốt phá và hủy hoại; hụt hơi khi phải tái thiết và cai trị những xứ sở mới. Alexander cũng hụt hơi ngay trong việc kiểm soát bản thân, không thể duy trì những tham vọng chính đáng vốn làm nên bản ngã mạnh mẽ của vị vua trẻ lúc mới khởi quân.
Ấy là lúc vinh quang bắt đầu tàn lụi…
Phố Wall không thiếu vắng những anh tài có tầm nhìn xa, biết "tham lam khi người khác sợ hãi, sợ hãi khi kẻ khác tham lam", có đủ cá tính, đủ sự quyết đoán đến độc đoán để lèo lái một doanh nghiệp đồ sộ và đưa đến những thành công ngoạn mục… Nhưng những ví dụ tương phản cũng nhiều không kém – ấy là những kẻ "ngã ngựa".
Đó có thể là IBM, tưởng như có thể yên tâm phát triển sau lớp vỏ bọc kiên cố như "tường thành Babylon" – là danh tiếng, là vị trí thống trị trong địa hạt "máy tính cỡ lớn". Thế mà lớp vỏ bền chắc ấy lại chính là điểm yếu chết người, khiến IBM tụt hậu nhanh chóng khi nhu cầu của người dùng về máy tính đột ngột biến đổi.
Trớ trêu thay, chính Kenneth Olsen – kẻ khuất phục IBM với ý tưởng thức thời và độc đáo về "máy tính mini" – cũng tử nạn trên đỉnh vinh quang, khi thái độ bảo thủ và tự tin thái quá đã ngăn ông nhìn nhận tỉnh táo hơn về "thời của máy tính cá nhân".
Đó có thể là ví dụ về Carly Fiorina ở Hãng Hewlett Packard. Bước vào một tập đoàn với nền văn hóa căn cội sâu xa và phức tạp như HP, Carly đã tỏ thái độ xấc xược và thách thức trước những giá trị truyền thống và những con người gắn bó lâu năm với doanh nghiệp. Kết quả là chưa kịp thổi làn gió mới vào nơi này, bà đã tự cô lập mình và biến bản thân thành thứ "chiên ghẻ" bị tẩy chay và hất bỏ.
Chế ngự những hào quang
Thách thức của Cyrus, của Alexander Đại đế, của Augustus năm nào cũng chính là vấn đề của các CEO ngày nay: bước vào vị trí trị vì cả một đế chế, sau những lời xưng tụng, chúc mừng là chất chồng gánh nặng khi phải duy trì hoạt động nhịp nhàng của guồng máy khổng lồ với hàng ngàn con người và còn nhiều hơn thế những mối nối chất chồng!
Và như thế, cách nhau cả ngàn năm, nhưng mỗi vị đầu lĩnh ở mọi thời đại luôn phải đối mặt với chừng ấy câu hỏi:
Xây dựng một đế chế đủ kiên cố, bảo thủ là cần thiết để tồn tại và có chỗ đứng, nhưng làm thế nào để luôn kết nối và thính nhạy với thị trường, có như vậy mới đảm bảo cho tổ chức của mình không bị lạc lõng với thời cuộc, dẫn đến đổ bể và thua lỗ?
Áp đặt cái tôi ra sao để tạo dấu ấn cá nhân và thúc đẩy sáng tạo nhưng lại vừa đủ để thể hiện thái độ tôn trọng với nền văn hóa chung và thừa nhận công trạng của những người khác…?
Chắc chắn không có kẻ nào chiến thắng được mãi, và họ khó lòng biết khi nào "guồng quay may mắn sẽ dừng lại". Vậy nên, điểm khác biệt giữa những người mãi ở đỉnh cao trong sử sách và những kẻ chịu kết cục bi thảm chỉ là "hiểu rõ những giới hạn của bản thân", hay nói cụ thể hơn là biết cách làm chủ chính bản thân mình, để dần học cách chế ngự vinh quang và chiến thắng, và để biết điểm dừng.
Theo LẠC NGUYÊN (TTCT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn