Cuốn sách đang được nói đến, là tập tuỳ bút Quê hương tôi, của Tràng Thiên.
Trong trang cánh bìa 1 cuốn sách trên có giới thiệu ngắn gọn về tác giả và tác phẩm:
"Tác giả tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày 20.10.1925 ở Bình Định. Nhà văn nổi tiếng ở miền Nam thời 1954 – 1975. Viết nhiều loại văn: tuỳ bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, phê bình, đàm thoại…
Quê hương tôi gồm tập Đất nước quê hương in năm 1973 và một số tuỳ bút khác cùng loại".
Từ "manh mối" trên, người đọc thiếu thông tin và hiểu biết về văn học đô thị Sài Gòn trước 1975 có thể có vài "từ khoá" để tìm ra thêm hai dữ liệu thú vị khác:
1/ Từ khoá "Đoàn Thế Nhơn" được Google trả lời rằng, là tên thật của một nhà văn rất quan trọng của văn học miền Nam giai đoạn 1954 -1975 – Võ Phiến. Ông sinh năm 1925, quê Bình Định.
2/ Cũng theo Google: Tràng Thiên là một trong những bút danh của Võ Phiến được ký trên tờ Bách Khoa. Về nguồn gốc của bút danh Tràng Thiên, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc viết trong phần Vài ghi chú về tiểu sử, cuốn Võ Phiến (xuất bản tại California) như sau: "Trong lãnh vực hoạt động văn học, tại Sài Gòn, Võ Phiến cộng tác với các báo Sáng Tạo, Thế kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn… nhưng thường xuyên nhất là tờ Bách Khoa. Cùng với Vũ Hạnh và Nguyễn Hiến Lê, ông là một trong ba cộng tác viên nòng cốt của tờ tạp chí có tuổi thọ cao nhất miền Nam này. Trên Bách Khoa, Võ Phiến, ngoài phần sáng tác và biên khảo, còn đảm nhiệm luôn cả các mục điểm sách, thời sự văn học nghệ thuật; và thỉnh thoảng, phần dịch thuật dưới bút hiệu Tràng Thiên và Thu Thuỷ (Tràng Thiên, thoạt đầu là bút danh của Ban biên tập Bách Khoa, sau, từ khoảng 1964 -1965 giao hẳn cho Võ Phiến)".
Để vừa đảm bảo tính ngắn gọn, vừa bảo vệ cho những ghi chú trên được dễ dàng với mong muốn người đọc sẽ có ít nhiều tò mò nghiên cứu sâu hơn, phần tiểu sử tác giả Võ Phiến xin phép dừng ở đây, như một cách tự giới hạn đáng tiếc, để dành không gian cho tác phẩm.
Tập tuỳ bút Đất nước quê hương của Võ Phiến in năm 1973. Lúc đó, ông đang là giáo sư dạy môn văn chương ở đại học Phương Nam và đại học Hoà Hảo, và là một công chức văn hoá có điều kiện xê dịch, trải nghiệm nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Cũng nói thêm, đây chỉ là một trong chín tập tuỳ bút rất xuất sắc của ông. Bên cạnh đó, ông có bảy tập truyện ngắn, bốn tiểu thuyết và hàng chục cuốn tiểu luận, tuỳ bút, nghiên cứu giá trị khác.
48 bài tuỳ bút trong Quê hương tôi là một cuộc kiếm tìm, phiêu diêu trong khí quyển văn hoá, lịch sử, đời sống con người, dân tộc Việt Nam và những vùng miền (Huế, Bình Định, Tây Nguyên, Hội An, Sài Gòn…) thông qua những thói ăn, cách nói, nếp ở, trang phục, văn chương truyền miệng…
Tràng Thiên – Võ Phiến dẫn người đọc đi từ câu chuyện độc đáo của chiếc áo dài Việt Nam gợi cảm, "linh động phơi phới" tôn nét đẹp tuyệt mỹ của thân người phụ nữ Việt Nam. Điều đáng nói là từ những năm đầu 70 của thế kỷ trước, ông đã tinh tế chỉ ra những cuộc "cải biên" áo dài chỉ là cái cớ bày tỏ tinh thần phá phách tự do nhất thời ồn ào của thanh niên, chứ không đáng lo ngại về sự "lâm nguy" của thứ trang phục độc đáo truyền thống (Chiếc áo dài, Lại chuyện áo dài).
Chuyện người Việt giỏi… chửi xem ra lại có căn nguyên rất "phân tâm học" – ông nhìn thấy cái tích cực trong sự thô bạo (mà đôi khi dưới lớp vỏ rất văn vẻ) của chửi lộn có một sự tự xoa dịu cân não, "không bốc đồng xé rào tiến tới hành động", tránh những "kết quả khốc hại". Nhưng "Chửi là phản ứng can đảm của kẻ yếu", với người Việt thì "chửi được trau dồi thành một nghệ thuật". Và "chửi hay" ở chỗ: "Cái chửi, nó như một cuộc chiến tranh trong đó đạn mã tử được bắn thả cửa, nhưng bắn nhịp nhàng theo điệu nhạc quân hành. Bắn không để giết người mà để xoa dịu cân não mình" (Chửi).
Ở Chửi tục và Không cười, ông chỉ ra hai tính cách của người Việt: "Từ cuộc sống hồn nhiên của dân gian đến cuộc sống có ý thức của triết nhân nghệ sĩ, chúng ta mỗi lúc một nén thêm tiếng cười và nén thêm dục tình. Nỗ lực văn hoá của chúng ta như là một nỗ lực kìm hãm, từ chối cái cười và cái tục" (Chửi tục)…
Cuốn sách được viết với văn phong dí dỏm, tinh tế và vốn tri thức uyên bác, những lập luận đầy sắc sảo, bất ngờ. Trong một cái nhìn, tâm tình cởi mở, tinh thần tự trào cao, người viết đi từ những vấn đề lớn lao như qua thói ăn nếp ở mà giải phẫu tính cách dân tộc được đưa ra "tán" như chuyện vãn buổi trà dư đầy thân thiện gần gũi, những chuyện nhỏ như cái vạt áo dài, ly chè Huế, cái bánh tráng Bình Định lại trở nên hết sức thú vị lớn lao không ngờ, bởi nó ôm mang quá nhiều nghĩa lý của tiến trình bồi tụ văn hoá, tính cách vùng miền. Và phải bản lĩnh văn hoá đến đâu thì người ta mới làm cái công việc khẽ chạm vào một từ trong câu ca dao quê nhà mà đủ sức dẫn người đọc đi xuyên qua bao lớp mù sương lịch sử!
Tràng Thiên, theo Google, là Võ Phiến Nhưng việc sách của Võ Phiến xuất hiện lần này vì lý do gì đó mà phải "né" dưới tên Tràng Thiên, ít nhiều làm cho những độc giả thạo và yêu văn chương của ông cảm thấy bị tổn thương. Biết sao được. Cứ học cái cởi mở độ lượng, tự trào mà đầy quyết liệt của ông trong nhìn nhận và lý giải đời sống, biết đâu, sẽ thấy vẫn có một chút tích cực: rằng, với sự hy sinh để thuận buồm xuôi gió này, sau ông, sẽ còn nhiều, rất nhiều những tên tuổi khác được trả về đúng vị trí của mình trong lịch sử văn học.
Dù tiểu sử hay lịch sử, lắm khi, với những nhà sáng tạo như Võ Phiến, là thứ rất… thứ yếu.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (CHỌN).
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn