Như TT&VH đã đưa tin, hôm qua (20/4), tiểu thuyết Quái vật của nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh chính thức ra mắt với sự tham dự của rất nhiều đồng nghiệp cầm bút. Và hôm nay (21/4), Trần Thị Hồng Hạnh chính thức đi Mỹ để tham dự một lớp học viết văn dài hạn. Nhân dịp này, chị đã trò chuyện cùng TT&VH.
* Quái vật – tiểu thuyết đầu tay của chị được viết và ấn hành rất nhanh. Xin chị cho biết động cơ nào khiến chị viết nhanh như thế?
– Tôi không ấn định thời gian sáng tác cho mình. Khi muốn viết, bên trong mình thôi thúc phải viết thì viết. Quái vật là một quyển sách tâm huyết, nên tôi viết khá nhanh. Có thể, những buổi kẹt xe do “lôcốt” đã tăng thêm cảm hứng và thúc đẩy tôi viết xong sớm để mau chóng tìm được người tri âm về những bức bối của đời sống đô thị hiện nay. Viết xong thì đưa cho bên làm sách in. Cũng may là cô Đinh Hương – người giao dịch bản thảo của Công ty Bách Việt Books làm việc rất tốt và nhiệt tình nên Quái vật được in nhanh chóng.
Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn báo TT&VH một lần nữa. Vì lúc tôi đang nản lòng với việc in sách do một nhà xuất bản không tôn trọng lao động của nhà văn thì báo TT&VH đã giúp tôi có tiếng nói phản ánh công việc của cá nhân tôi nói riêng và phần nào tình trạng chung của nhiều nhà văn khác. Sau khi báo TT&VH đăng, Công ty sách Bách Việt đã liên lạc với tôi và họ đã in Quái vật thành sách thay vì tôi chỉ đưa lên blog của mình. Sắp tới, Bách Việt sẽ in một vài tác phẩm khác của tôi nữa.
* Nhân vật chính trong Quái vật có con mắt thứ ba và linh hồn thứ hai, có phải chị muốn nói về sự linh cảm và đa nhân cách trong một con người hay đó là sự hoài nghi trong va chạm cuộc sống nhiều nhập nhèm hiện nay?
– Tôi hiếm khi nói về “thông điệp” tác phẩm của mình vì muốn dành quyền cảm nhận trọn vẹn cho độc giả. Sự định hướng cảm thụ tác phẩm là việc… hình như không sòng phẳng với người đọc lắm. Nếu ai có cảm nhận như thế thì tôi vô cùng cảm ơn. Vì đó cũng là điều tôi nghĩ khi viết. “Tôi” trong Quái vật là một cô gái có linh cảm đặc biệt và đa nhân cách. Còn bản thân tôi, có cảm xúc để viết Quái vật chính là sự hoài nghi trong va chạm cuộc sống nhiều nhập nhèm hiện nay. Tốt – xấu khó phân, người mới tốt với mình đã vội quay mặt, người giả vờ tốt với mình mà thực chất là xấu… Những giá trị thực – ảo lại càng khó phân biệt hơn nữa.
* Sau khi phát hành Quái vật, chị sẽ có chuyến đi Mỹ dài ngày để “học viết văn”. Chị đã chuẩn bị gì để giới thiệu mình với bạn bè ở lớp học này?
– Tôi sẽ mang theo Quái vật, những tác phẩm – câu chuyện của những người viết trẻ hôm nay: Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Song Phạm, Nguyễn Ngọc Tư… để chia sẻ với họ. Tôi xem đây là cơ hội để tôi nói về những người viết trẻ ở VN.
* Nói chung, các cuộc “xuất ngoại” của nhà văn ta hiện nay phần lớn đều xuất phát từ mối quan hệ cá nhân chứ không phải vì “họ” biết ông nhà văn A, chị nhà văn B ở VN là tiêu biểu, tài năng nên “họ” mời. Chị có thấy điều này đúng không?
– Ý này cũng có phần đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì, tôi đi là đi học bên trường Massachusett (Boston, Mỹ), chứ không phải là đi giao lưu nên cũng có khó khăn hơn một chút, chứ không thuần túy là được mời thì được đi. Nói thẳng, nếu họ gửi thư mời qua Hội Nhà văn thì không đến lượt tôi hay ai khác ít tên tuổi, ít quan hệ!
* Chị có “bệ phóng” khá tốt khi đoạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 3, đến nay chị có thể “ngoảnh lại” xem mình đã vượt khỏi danh hiệu này bao nhiêu “cây số” rồi?
– Cái đó xin dành lại cho độc giả và các nhà phê bình nhận xét. Tôi sợ sự ảo tưởng, tôi cũng sợ thói tuyên ngôn huênh hoang. Không phải vì tôi khiêm tốn giả vờ để được khen ngợi mà bản tính tôi như vậy. Tôi thấy không có gì “kinh dị” bằng tự mình khen mình, dù rằng ai cũng có nhu cầu khẳng định mình, khen ngợi mình và thể hiện cái tôi của mình. Riêng bản thân tôi thì đã cố quên cái danh hiệu đó từ lâu rồi. Ăn mày dĩ vãng để làm gì nhỉ? Tôi mong là từ nay, người ta nhắc tới tôi là vì tác phẩm của tôi chứ đừng vì cái giải thưởng đó nữa. Không phải tôi khước từ hoặc không tôn trọng giải thưởng – mà vì tôi muốn bắt đầu một quãng đường mới mà không mang theo “cây thập giá giải thưởng” để mọi người săm soi, dè bỉu hoặc khen ngợi…
* Trở lại tiểu thuyết Quái vật, ai cũng biết rằng trong thời “cơm áo” này, cái danh thường gắn liền với vật chất. Chị đã tiên đoán số mệnh khi phát hành Quái vật sẽ mang về cho mình những gì?
– Ít nhất là 10% nhuận bút tính trên số bản in, giá bìa 40.000 đồng, trừ thuế 10%, còn 7.200.000 đồng. Nếu tái bản được sớm thì cứ thế mà tính. Đến giờ phút này có khoảng 30 báo, trang tin điện tử, không kể nhiều blog đã đề cập đến Quái vật, tôi hy vọng Quái vật sẽ bán được nhiều, còn con số cụ thể thì tôi không thể nói. Tuy nhiên, lợi nhuận phi vật chất là niềm vui không đo được khi tôi cầm tác phẩm của mình trên tay và được ký tặng nó cho bạn bè, người thân và hạnh phúc khi bất chợt thấy ai đó đang mua cuốn sách của mình trong nhà sách. Thêm nữa, đang có một vài nơi “nhắm nhe” chuyển Quái vật thành phim. Đó là một niềm vui khác.
Thanh Kiều
(Nguồn: Báo Thể thao và văn hoá)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn